
Năm 2008, Trung Quốc chấn động với bê bối 900 tấn sữa bột nhiễm độc melamine - hóa chất làm tăng hàm lượng protein nhưng có nguy cơ gây sỏi thận, suy thận. Hậu quả khiến ít nhất 6 trẻ tử vong, 300.000 trẻ bị ốm.
Vụ việc gây phẫn nộ lớn do thủ đoạn kiếm lời độc ác của những kẻ chăn nuôi bò sữa, phân phối sữa và hành vi cố tình che đậy khi biết sản phẩm khiến trẻ nhỏ ốm của các công ty và quan chức địa phương. Kết quả, tòa án Trung Quốc đã tuyên 2 án tử hình, phạt tù 19 đối tượng, buộc các đơn vị liên quan bồi thường 1,1 tỷ Nhân dân tệ cho gia đình các nạn nhân.
Tới năm 2010, cơ quan an toàn thực phẩm Trung Quốc lại tiếp tục thu giữ 64 tấn bột sữa chưa chế biến nhiễm melamine.

Tạm đóng cửa loạt nhà máy không đạt chuẩn
Sau bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008, chính phủ Trung Quốc tiến hành một cuộc thanh tra toàn diện ngành công nghiệp sữa trên cả nước. Theo China Daily, kết quả cho thấy nhiều nhà máy không tuân thủ quy định an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và có hệ thống kiểm soát chất lượng kém.
Tới tháng 4/2011, trong 1.176 cơ sở sản xuất sữa bị thanh tra, gần 50% buộc phải tạm ngừng hoạt động. Chỉ còn lại 643 cơ sở được cấp phép tiếp tục hoạt động sau khi đạt yêu cầu. Việc đóng cửa này là lời cảnh báo mạnh mẽ tới các doanh nghiệp đang hoặc có ý định vi phạm các quy định nhằm trục lợi.
Thiết lập tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt các quy định mới và nâng cấp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào ngành sữa. Một số điểm nổi bật:
- Cấm tuyệt đối sử dụng melamine và các chất phụ gia độc hại khác trong bất kỳ khâu nào của quy trình sản xuất.
- Giám sát toàn diện chuỗi cung ứng sữa, đưa vào diện kiểm tra bắt buộc từ trang trại bò sữa, thu mua, vận chuyển, chế biến đến phân phối.
- Ban hành tiêu chuẩn quốc gia nghiêm ngặt về giới hạn dư lượng thuốc thú y, thuốc trừ sâu, vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng.
- Yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai thông tin truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sữa, nâng cao trách nhiệm pháp lý.

Tín hiệu tích cực
Theo báo cáo của Hiệp hội Sữa Trung Quốc năm 2016 (8 năm sau vụ bê bối sữa), chất lượng các sản phẩm sữa trong nước đã được cải thiện đáng kể.
Theo đó, 99,5% các sản phẩm từ sữa đạt tiêu chuẩn và không phát hiện chất phụ gia bất hợp pháp nào, chẳng hạn như melamine, trong 7 năm liên tiếp. Các chỉ số chính, bao gồm hàm lượng dinh dưỡng, đã vượt tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu, Australia.
"Các sản phẩm từ sữa trong nước dường như là một trong những loại thực phẩm an toàn nhất ở Trung Quốc", Wang Jiaqi, quan chức của Bộ Nông nghiệp và là nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết.
Tới năm 2024, Hiệp hội Sữa Trung Quốc tiếp tục cung cấp báo cáo về ngành sữa Trung Quốc với các số liệu khả quan. Theo đó, năm 2023, Trung Quốc sản xuất 42,8 triệu tấn sữa, chiếm 5,9% sản lượng toàn cầu, giữ vị trí nhà sản xuất lớn thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đối mặt với vấn đề dư cung khi tỷ lệ sinh giảm và người dân thắt chặt chi tiêu.
Về chất lượng, từ năm 2009 đến nay, hơn 274.000 lô sữa thô được kiểm tra (riêng năm 2023 là 8.710 lô). Kết quả cho thấy hàm lượng protein và chất béo vượt chuẩn quốc gia, số lượng vi khuẩn thấp. Trong lĩnh vực chế biến, các doanh nghiệp lớn sản xuất 30,5 triệu tấn sản phẩm sữa; trong đó sữa nước đạt 28,6 triệu tấn.

