Trong một buổi tối tuyết rơi ở Paris, hai quý ông bị mắc kẹt đang chờ đợi một phép màu, đó là bắt được taxi. Chính trong khoảnh khắc đó, họ nhận ra: "Sẽ thế nào nếu bạn có thể yêu cầu một chuyến đi chỉ bằng cách chạm vào điện thoại”?
Hai quý ông này là Travis Kalanick và Garrett Camp, những người đột phá cho thị trường vận tải bằng ứng dụng taxi công nghệ Uber. Thưở ban đầu, chỉ có 8% dân số trưởng thành trên thế giới đặt Uber mỗi tháng một lần. Ngày nay, con số đó đã tăng theo cấp số nhân và có thể đặt Uber từ bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào và bao nhiêu lần.
Song, hành trình tạo ra một cuộc cách mạng này không mơ mộng như vẻ ngoài của nó. Có rất nhiều điều mà một mình Travis phải trải qua sau khi Garett chia tay Uber.
Công thức bí mật và câu chuyện thành công của Uber
Uber ra đời vào năm 2009 và trở thành “kỳ lân” giá trị nhất thế giới chỉ trong vài năm. Bắt đầu từ năm 2010, trong vòng ba năm, họ đã hoạt động tại hơn 66 quốc gia. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng, Uber phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ ngành công nghiệp taxi truyền thống và mâu thuẫn với các nhà quản lý.
Nhiều tài xế châu Âu đã phản đối Uber vào năm 2014 để buộc chính phủ phải chú ý. Nhiều quốc gia, bao gồm Hà Lan và Thái Lan, đã cấm Uber một phần hoặc hoàn toàn. Họ bị buộc tội thực hiện các hành vi cấu thành cạnh tranh không lành mạnh.
Travis không bị ảnh hưởng bởi phản ứng dữ dội này: ông ấy tạo động lực cho đồng nghiệp và nhân viên, tiếp tục hài lòng với tư tưởng "Phát triển hay là Chết" của mình. Đến lúc này, ông nổi tiếng là người vừa hung hăng vừa hiếu chiến. Nhưng dù thế nào đi nữa, ông luôn đặt mục tiêu phát triển Uber lên trên tất cả.
Đừng đi sai đường
Mọi thứ diễn ra tốt đẹp đến năm 2016 khi Kalanick tham gia hội đồng cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này một lần nữa tạo ra phản ứng dữ dội cho Uber, đặc biệt là sau sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi của ông Trump. Năm 2017, Travis từ chức khỏi hội đồng này để cứu vãn danh tiếng của Uber.
Cùng năm này, một trong những nhân viên cũ của Uber đăng blog kể chi tiết chuyện cô bị đồng nghiệp quấy rối tình dục và văn hóa tại Uber không tốt cho phụ nữ như thế nào. Bài viết gọi Uber là một nơi làm việc thù địch, phân biệt giới tính và khá khó chịu đối với hầu hết mọi người.
Travis còn mời kỹ sư xe tự lái hàng đầu của Google gia nhập Uber. Ông luôn coi tài xế là vấn đề duy nhất với hệ thống hiện tại của họ và tin rằng xe tự lái sẽ là tương lai.
Uber còn phải đối phó với một vụ kiện sở hữu trí tuệ từ Waymo, doanh nghiệp xe tự lái hoạt động dưới trướng Google.
Ngay sau đó, Eric Holder - cựu tổng chưởng lý Mỹ - sẽ dẫn đầu một cuộc điều tra về các cáo buộc nhằm vào Uber. Dù tâm lý "Phát triển hay là Chết" của Travis đã tạo nên Uber như ngày nay, văn hóa tại Uber được xem là độc hại, hung hăng. Trong khi một số nhân viên có thể thích nó, loại văn hóa này không bền vững, đặc biệt là với phụ nữ làm việc trong văn phòng.
Báo cáo của Holder được công bố cho hội đồng quản trị của Uber sau vài tháng và kết luận yêu cầu một vài nhân viên từ chức khỏi công ty. Nó cũng yêu cầu "xem xét và phân bổ lại trách nhiệm của Travis Kalanick". Báo cáo này đã tiết lộ nhiều hành vi sai trái của Uber, bao gồm cả việc lừa dối và khai thác quyền riêng tư của khách hàng.
Làm gì trong khủng hoảng?
Travis luôn tìm kiếm giải pháp thay vì khóc lóc về các vấn đề. Bất kể Uber phải đối mặt với vấn đề gì, ông ấy sẽ luôn nghĩ ra thứ này hay thứ khác để tồn tại và phát triển.
Trong tình huống này, ông biết mình đã sai. Đối với ông, Uber luôn là ưu tiên hàng đầu, trước bất cứ điều gì trên thế giới. Theo gợi ý từ báo cáo của Holder, vào ngày 21/6/2017, Kalanick đã từ chức sau một cuộc nổi dậy của cổ đông. Ban đầu, ông xin nghỉ phép vô thời hạn, một phần để rời khỏi Uber và một phần để tưởng nhớ mẹ, người vừa qua đời trong một tai nạn chèo thuyền chỉ vài ngày trước đó.
"Tôi yêu Uber hơn bất cứ điều gì trên thế giới và tại thời điểm khó khăn này trong cuộc sống cá nhân, tôi đã chấp nhận yêu cầu đứng sang một bên của các nhà đầu tư để Uber có thể quay trở lại xây dựng thay vì bị phân tâm bởi một cuộc chiến khác”, Travis cho biết trong một tuyên bố sau khi từ chức.
Uber lên sàn chứng khoán vào năm 2019 và các nhà đầu tư ở Phố Wall định giá đợt IPO của Uber lên tới 120 tỷ USD. Tuy nhiên, Uber đã làm nên lịch sử với khoản lỗ ngay trong ngày đầu tiên lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Sau Uber, Kalanick thành lập một công ty đầu tư mạo hiểm có tên 10.100 và City Storage Systems, một công ty tái phát triển bất động sản gặp khó khăn. Ông hiện là CEO City Storage Systems, công ty mẹ của CloudKitchens chuyên cho thuê không gian bếp thương mại và dịch vụ hậu cần cho nhà hàng muốn giao đồ ăn qua mạng.
Trong khi đó, Uber đang hoạt động tại 72 quốc gia và hơn 10.500 thành phố. Các dịch vụ của nó bao gồm gọi xe, giao đồ ăn (Uber Eats và Postmates), giao hàng trọn gói, chuyển phát nhanh, vận chuyển hàng hóa, cho thuê xe đạp điện và xe tay ga có động cơ. Nó vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
(Theo finology)