Đồng lương giáo viên quá eo hẹp
Năm 2004, tôi tốt nghiệp đại học và giảng dạy tại một trường THPT tư thục ở TP.HCM.
Đến năm 2013, tôi thi đậu viên chức và được phân công về giảng dạy một trường THPT công lập cùng thành phố. Tôi được nối bảo hiểm thời gian làm việc ở trường tư thục và tăng lương, ngạch bậc theo quy định.
Trong quá trình công tác, tôi bỏ ra 2 năm đi học cao học để lấy bằng thạc sĩ và thêm 1,5 năm theo học trung cấp chính trị - hành chính để lấy bằng trung cấp.
Cho đến thời điểm này, tôi đã công tác trong ngành được gần 17 năm và chỉ nhận được mức lương khoảng hơn 7,5 triệu đồng/tháng, đã bao gồm phụ cấp chức vụ.
Để mưu sinh ở TPCHM có mức sống đắt đỏ, tôi đi thỉnh giảng ở trường tư thục.
Tôi dạy 3 lớp – 14 tiết/tuần (đã bao gồm tiết tăng), dạy 4 buổi thì xong nhiệm vụ, và nhận được tiền lương bằng với mức lương sau 17 năm công tác ở trường công lập.
Các đồng nghiệp của tôi cũng phải thỉnh giảng ở trường tư thục hoặc làm nghề tay trái để thêm thu nhập. Thậm chí có không ít thầy cô bán hàng online, kể cả chạy xe ôm công nghệ sau mỗi giờ lên lớp, vì đồng lương giáo viên quá eo hẹp, nhất là những người có hệ số lương dưới bậc 4.
Tăng hệ số, lương giáo viên vẫn thấp
Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Theo đó, từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành).
Một số phương tiện truyền thông cho biết, lương giáo viên sẽ tăng mạnh khi Nhà nước tăng mức lương cơ sở. Theo đó, lương giáo viên năm 2023 có thể lên tới gần 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, không có nhiều người đạt được mức lương này. Mà chỉ những giáo viên đã hưởng lương ở bậc cuối cùng và có phụ cấp công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó mới có cơ hội.
Với mức lương hiện tại, sau 4 năm giảng dạy, giáo viên có bằng đại học được tăng lương bậc 2 (hệ số 2,67) nhận thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng (chưa trừ bảo hiểm, công đoàn).
Khi mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ một số khoản như bảo hiểm, công đoàn,… lương giáo viên bậc hai thực nhận là hơn 6 triệu đồng/tháng.
Sau khi giảng dạy đủ 10 năm, giáo viên THPT hạng ba mới đủ điều kiện tham gia dự thi (xét) thăng hạng hai.
Nếu được thăng hạng hai, giáo viên cũng chỉ nhận được mức lương khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng. Phải thêm 6 năm công tác nữa thì một số ít giáo viên mới đủ điều kiện thi/xét thăng hạng nhất, với hệ số lương 4.40 - tương đương khoảng 12 triệu đồng/tháng kể cả thâm niên.
Xem lại tinh giản biên chế, nhanh chóng cải cách tiền lương
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, ngành GD được giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Tuy vậy, theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế. Điều này, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn là một nghịch lý. Bởi, dù được giao biên chế nhưng nhiều địa phương không dám tuyển, vì “nhỡ tuyển rồi phải giảm biên chế thì trừ vào ai ?”.
Như thế, vấn đề cần bàn ở đây là, tuyển dụng và tinh giản biên chế, việc nào cần được ưu tiên thực hiện trước? Điều này, liên Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT nên cùng ngồi lại bàn bạc tính toán và thống nhất rõ ràng.
Có lẽ, việc tinh giản biên chế giáo viên theo kiểu cơ học, cào bằng nhất thiết phải được xem xét lại một cách thấu đáo.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, bà Trần Thị Thanh Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề nghị “Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc bảo đảm lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định. Với tinh thần có học sinh, có lớp học phải có đủ giáo viên. Cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục”. Đề xuất này của đại biểu tỉnh An Giang là hoàn toàn hợp tình hợp lý.
Bởi lẽ, việc tăng mức lương cơ sở cũng chỉ là giải pháp tạm thời, lương tăng một thì giá cả cũng tăng theo 2-3 lần.
Vậy nên chăng, Nhà nước cần thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, lương giáo viên ở bậc cao nhất, thì mới phần nào giải được bài toán thiếu giáo viên.
Bởi, khi thực hiện cải cách tiền lương thì thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được bổ sung tiền thưởng - quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm.
Thu nhập tốt hơn sẽ tuyển dụng được biên chế giáo viên dễ dàng hơn.
Thanh Thúy