Đại diện chủ đầu tư mới tại CTCP hàng không Tre Việt - Bamboo Airways (BAV) cho biết, hãng vẫn hoạt động bình thường.
Đại diện hãng bay cũng xác nhận, Bamboo Airways gặp khó khăn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, hãng vẫn đang tái cấu trúc.
Trong thông cáo phát đi, Bamboo Airways cho biết, hãng vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối và sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực.
Theo Bamboo Airways, trong thời gian vừa qua, hãng đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.
Trong thời gian vừa qua, không chỉ Bamboo Airways mà nhiều hãng hàng không cũng gặp khó khăn. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HNV) thậm chí còn đối mặt với 3 năm lỗ liên tiếp (2020-2022) và có thể bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hôm 11/7, Vietnam Airlines bất ngờ hủy chốt danh sách họp đại hội cổ đông thường niên năm 2023.
Trước đó, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines (trị giá khoảng 1,3 tỷ USD) bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 12/7 và vào diện cảnh báo từ ngày 11/7.
Nguyên nhân do HVN chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định và chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022.
Bảo hộ phá sản thế nào?
Về góc độ pháp luật, ông Xuân Dương, đại diện Luật Đại Việt cho biết, quy định về phá sản là tình trạng trạng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Theo ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, bảo hộ phá sản là khái niệm của nước ngoài. Hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể cho thuật ngữ này.
Theo ông Truyền, ở Việt Nam, theo Luật Phá sản 2014 thì khi doanh nghiệp nộp hồ sơ phá sản thì toà án sẽ xem xét, khi thụ lý vào doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng dưới sự giám sát của toà án và quản tài viên.
Trên thực tế, có thể hiểu bảo hộ phá sản là việc một doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề tài chính.
Nếu việc phục hồi của doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, trả được các khoản nợ cho chủ nợ của mình và tiếp tục các hoạt động kinh doanh.
Luật Phá sản 2014 cũng có quy định về xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho thẩm phán, chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi ý kiến cho doanh nghiệp, hợp tác xã để hoàn thiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh báo cáo quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chủ nợ, ban đại diện chủ nợ (nếu có).
Ngay sau khi nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có nhiệm vụ báo cáo thẩm phán. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, thẩm phán xem xét trước khi đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét thông qua.
Như vậy, đối với việc bảo hộ phá sản hay hiểu theo nghĩa tương tự tại Việt Nam là xây dưng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Thời hạn để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Trường hợp Hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 3 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.