Theo các chuyên gia trong ngành công nghệ, cuộc chiến “săn đầu người” trong lĩnh vực bán dẫn sẽ ngày càng khốc liệt khi đảm bảo lợi thế công nghệ trở nên vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên AI. Mới đây lại nổi lên một vụ việc liên quan đến rò rỉ và đánh cắp công nghệ, khiến mọi người đều phải chú ý.
Một cựu kỹ sư từ SK Hynix, công ty hàng đầu trong thị trường bộ nhớ băng thông cao (HBM) – thiết bị quan trọng đối với các dịch vụ AI - chuyển sang làm việc cho nhà sản xuất chip Micron của Mỹ. Người này chuyển đến Micron vào tháng 7/2022 ngay sau khi nghỉ hưu tại SK Hynix, bất chấp thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ trong vòng hai năm.
Do đó, SK Hynix đã đệ đơn kiện kỹ sư này vào tháng 8/2023. Một tòa án địa phương ra phán quyết cựu nhân viên không thể làm việc cho Micron trước ngày 26/7 và phải trả cho SK Hynix 10 triệu won mỗi ngày nếu vi phạm phán quyết.
Rò rỉ công nghệ là một vấn đề quan trọng, đặc biệt khi tòa án phải mất 7 tháng mới đưa ra được quyết định. Trong thị trường HBM đầy cạnh tranh, biên độ khác biệt về công nghệ chỉ là vấn đề của vài tháng.
Lee Jong-hwan, Giáo sư Khoa Kỹ thuật bán dẫn hệ thống tại Đại học Sangmyung, cho biết cựu kỹ sư SK Hynix là nhân vật chủ chốt trong việc phát triển HBM. Hiện vẫn chưa rõ vì sao ông vi phạm thỏa thuận và chuyển đến Micron. Theo giáo sư, trong hầu hết quá trình chuyển giao công việc, vẫn xảy ra tình trạng rò rỉ công nghệ. Dù luật pháp không giải quyết được mọi thứ, hình phạt mạnh mẽ sẽ được áp dụng nếu các công nghệ bán dẫn thuộc bí mật công nghiệp quốc gia bị lộ.
Samsung Electronics, cũng như SK Hynix, từng bị thiệt hại do rò rỉ công nghệ. Một cựu kỹ sư của Samsung đã bị điều tra vào tháng 1 vì bị cáo buộc chuyển quy trình sản xuất chip DRAM 20 nm do Samsung phát triển vào năm 2014 cho một công ty chip Trung Quốc. Ngoài ra, năm ngoái, một trong những quan chức bán dẫn của Samsung đã bị giám sát kỹ lưỡng vì lạm dụng dữ liệu kỹ thuật từ nhà máy bán dẫn từ năm 2018 đến 2019.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, số vụ việc liên quan đến rò rỉ công nghệ công nghiệp xuyên biên giới đã tăng từ 14 vụ năm 2019 lên 23 vụ năm 2023. Trong cùng thời gian, số trường hợp liên quan đến chip tăng từ 3 lên 15. Điều này nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của rò rỉ công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn so với các lĩnh vực khác.
Giáo sư Lee Jong-hwan chỉ ra, tuyển dụng chuyên gia từ công ty đối thủ là cách tốt nhất để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ. Do đó, chính phủ cần phối hợp với doanh nghiệp tăng cường quản lý các kỹ sư này.
Hiện tại, Hàn Quốc đang tích cực nghiên cứu để tăng cường các hình phạt nhằm ngăn chặn rò rỉ công nghệ lõi. Các dự luật đề xuất nâng mức phạt đã được giới thiệu tại Quốc hội. Vào tháng 11/2023, Ủy ban Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã thông qua sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Công nghệ Công nghiệp, trừng phạt hành vi rò rỉ các công nghệ cốt lõi của đất nước.
Pháp luật hiện hành chỉ quy định hình phạt đối với các trường hợp rò rỉ công nghệ với mục đích sử dụng hoặc kích hoạt sử dụng ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc chứng minh ý định sử dụng ở nước ngoài rất khó, khiến việc thực thi các hình phạt trở nên khó khăn.
Kim Dae-jong, Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong nói rằng, các công ty Hàn Quốc cần nỗ lực cải thiện cách đối xử với các kỹ sư của họ. Chẳng hạn, tăng lương thưởng, phúc lợi, tăng hài lòng trong công việc, thực hiện hệ thống có thể kéo dài sự nghiệp cho họ. Điều quan trọng là xây dựng mối quan hệ tích cực với nhân viên.
(Theo Korea Times)