Ngọn nguồn câu chuyện Việt Nam được lựa chọn 

Hàng trăm doanh nghiệp tham dự sự kiện Gặp gỡ hội viên VINASA đầu Xuân 2024 vừa được tiếp thêm nguồn cảm hứng tích cực khi nghe ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam (SIV), kể một số câu chuyện cho thấy cơ hội lớn của Việt Nam với ngành công nghiệp bán dẫn.

ong binh 4.jpg
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam - thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, chia sẻ nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đề cao vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn trong việc xác định trật tự thế giới, ông Bình dẫn câu chuyện Intel – một tập đoàn Mỹ từng có lúc lao đao trước khi duy trì vị thế “gã khổng lồ sản xuất chip” nhiều thập kỷ qua: “Tổng Giám đốc Intel tặng tôi một cuốn sách mà ông gọi là “Kinh Thánh của Tập đoàn Intel”, trong đó kể lại thời kỳ Intel bị các tập đoàn của Nhật Bản “dồn đến góc tường”. Tập đoàn của Mỹ phải bán các con chip của mình dưới giá thành mà vẫn không bán được vì giá vẫn cao hơn 4 nhà máy lớn của Nhật Bản, trong đó có Toshiba, Sony”.

Thông tin khiến nhiều người bất ngờ được ông Bình chia sẻ: Người Nhật với đầu óc cải tiến đã có thời điểm vượt trội so với Mỹ trong ngành sản xuất chip. Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, kinh tế Nhật Bản không còn cách xa kinh tế Mỹ; Nhật sẵn sàng đối đầu Mỹ trong “cuộc chiến về chip” để giữ vị trí “bá chủ” thế giới.

Tuy nhiên, sau vụ Toshiba bán dây chuyền sản xuất chân vịt cho tàu ngầm của Nga, Nhật Bản đành chịu mất lợi thế hàng đầu trong lĩnh vực chip.

Để duy trì vị thế “bá chủ”, Mỹ hợp tác với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Nhờ sự nỗ lực phi thường, ngày nay, 2 nơi này đã sản xuất hầu hết tất cả chip của thế giới. 

Trong bối cảnh các thiết bị điện tử bán dẫn đều dùng con chip sản xuất tại cùng một khu vực hoặc là Trung Quốc hoặc là Đài Loan (Trung Quốc), hoặc Hàn Quốc, giả sử có một sự cố xảy ra thì cả khu vực rộng lớn sẽ “đứng hình đứng tiếng”. Không chấp nhận nguy cơ rủi ro như thế, Mỹ chọn thêm đối tác mới: Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều hãng bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc) chưa chọn Việt Nam, bởi sau khi khảo sát, họ thấy nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam gần như là con số 0, cộng thêm việc Việt Nam khó đảm bảo nguồn điện sản xuất và nước sạch.

“Chúng ta vẫn đang ở tình thế 50 – 50”, Chủ tịch Trương Gia Bình phân tích cơ hội nhận được cái gật đầu của các hãng bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc).

Con đường Việt Nam có thể đi

Bàn về con đường Việt Nam có thể đi, Chủ tịch Trương Gia Bình dẫn hai câu chuyện.

“Tôi đến một hãng thiết kế chip. Họ có 600 nhân viên, 20 năm thành lập, doanh số gần 900 triệu USD, giá thị trường của họ gần 8 tỷ USD. Họ nói với tôi, họ không phải công ty sản xuất chip, thiết kế chip, mà là công ty gia công chip cho các tập đoàn hàng đầu của thế giới. Khi họ dùng chữ “outsourcing” (gia công), tôi cảm giác chúng ta đã có một con đường”, ông Bình kể.

Một chi tiết quan trọng: 70% nhân lực của hãng thiết kế chip nằm ở Trung Quốc. Muốn Mỹ mua con chip của mình, hãng thiết kế chip này cần phải tìm kiếm thêm hơn 400 nhân lực ngoài Trung Quốc để đáp ứng “rào cản mềm” của Mỹ.

Trả lời câu hỏi của ông Bình: “Ông mất bao lâu để đào tạo một người từ kỹ sư phần mềm chuyển sang thiết kế chip?”, lãnh đạo hãng thiết kế chip nói: “18 tháng”.

Nhưng ông Bình nghĩ khác: Kỹ sư phần mềm học 18 tháng thì có thể làm được mọi việc liên quan tới thiết kế chip. Tuy nhiên, khi thiết kế chi tiết phân khu rõ thì chỉ cần học 3 tháng có thể biết làm ngay. Tiền lệ là những người làm xuất khẩu phần mềm từng chia nhỏ các công nghệ mới ra, vừa học vừa làm.

“Tôi tin tất cả các bạn ở đây có thể rất nhanh chuyển sang học về thiết kế chip để tận dụng cơ hội làm “outsourcing”, thậm chí làm cả con chip cho các hãng lớn như Intel, Qualcomm… Khi các bạn làm nhiều chương trình thiết kế chip như vậy sẽ tích lũy rất nhiều IP (tài sản trí tuệ/sở hữu trí tuệ). Ví dụ như FPT vừa rồi làm con chip thương mại thì bắt đầu có IP có thể bán với giá rẻ vào quy trình làm tất cả các con chip trên thế giới”, ông Bình nhấn mạnh.

ong binh 2.jpg
Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, "outsourcing" và chip AI là con đường Việt Nam có thể đi. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Outsourcing” là câu chuyện thứ nhất. 

Tiếp nối câu chuyện thứ hai: Sản xuất chip tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo).

“Khoảng 26 năm trước, một nhóm gồm 3 kỹ sư mở máy Samsung ra xem con chip rồi khẳng định mình có thể sản xuất ra con chip giống như thế, thậm chí giá còn rẻ hơn khoảng 30%. Và rồi họ lập công ty MediaTek. Ngày hôm nay, giá thị trường của công ty này là 60 tỷ USD. Tôi đến gặp người sáng lập MediaTek, ông đề xuất thành lập liên doanh. Tôi đồng ý luôn, nhưng đề nghị sản xuất AI chip chứ không phải con chip nói chung”, ông Bình tiếp mạch chuyện. 

Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam hình dung về tương lai: Con chip càng ngày càng thông minh. Đài Loan (Trung Quốc) rất giỏi phần cứng, song về AI thì vẫn chưa phải là đối thủ đáng gờm. Sức mạnh của Việt Nam là đội ngũ làm AI sẽ thiết kế ra được những con chip AI càng dùng nhiều càng thông minh. 

“Chúng ta có thể học theo tư tưởng của MediaTek: Tất cả con chip người khác đã làm ra, chúng ta có thể làm ra với giá rẻ hơn. Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ ra những con chip hoàn toàn mới, chúng ta tự làm và bán”, ông Bình vẽ con đường Việt Nam có thể đi được trong thời gian tới.

Kết nối lực lượng toàn cầu, nhanh chóng “bắt trend”

Câu hỏi kế tiếp: Có con đường rồi, làm thế nào đi nhanh để không bỏ lỡ cơ hội?

Lời giải có trong câu chuyện khác của Chủ tịch Trương Gia Bình: “Khi tôi sang Mỹ, biết một nhóm các anh chị làm chip khoảng 20 – 30 năm nay, từng giảng dạy ngành bán dẫn cho rất nhiều học trò hiện đang làm ở các công ty thiết kế chip. Thu nhập của họ khoảng 100 – 300 ngàn USD. Các anh chị sẵn sàng rời khỏi các hãng bán dẫn điện tử lớn của Mỹ như Intel, Qualcomm, Amkor…, về làm việc cho Việt Nam. Nếu cộng tất cả những người Việt Nam làm chip trên thế giới thì số lượng không nhỏ. Một trong những nhiệm vụ của Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam là thành lập ra các phân ban ở các nước, thậm chí phân ban đến từng thành phố để tập hợp các anh chị em lại. Chúng ta phải đi nhiều nước, thường xuyên kết nối, tập hợp lực lượng toàn cầu để làm những việc mang tầm thế giới chứ không chỉ làm cho riêng Việt Nam”.

Liên quan câu chuyện nguồn nhân lực chip, ông Bình thông tin thêm: Đài Loan (Trung Quốc) năm nay khánh thành 14 nhà máy chip mới, xây dựng 40 nhà máy tổng cộng. Họ đang xây dựng một sức mạnh chip mới và đang thiếu nhân lực. Một công ty hàng đầu của Đài Loan trong lĩnh vực chip cho biết mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về nguồn nhân lực, mặc dù Chính phủ Đài Loan đã triển khai nhiều chương trình tài trợ cho các trường để xây dựng phòng thí nghiệm, tài trợ kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực. Họ sẵn sàng nhận người Việt Nam nếu chúng ta có thể nhanh chóng gửi người phù hợp sang.

Am hiểu khá sâu về công nghiệp bán dẫn, ông Bình mách nước: Công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đặc biệt là trong các công đoạn: Thiết kế; kiểm thử; hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế…

Một công ty bán dẫn của Mỹ chế tạo chip tại Đài Loan (Trung Quốc) đang phải đem về Mỹ test, sau đó chuyển chip quay trở lại Đài Loan để lắp ráp máy móc. Họ sẵn sàng đặt hàng nếu doanh nghiệp Việt có thể đảm nhiệm việc test chip. Đây là cơ hội mà doanh nghiệp Việt có thể bắt tay làm ngay.

ong binh 1.jpg
Người đứng đầu Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam cho biết thời gian tới, Ủy ban sẽ thường xuyên kết nối, tập hợp lực lượng toàn cầu để làm những việc mang tầm thế giới. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Người đứng đầu Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam nhận thấy: Việt Nam hiện vẫn đang có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Nếu quyết liệt “bắt trend” (theo kịp xu hướng) công nghiệp bán dẫn, chúng ta có thể thoát khỏi “cái bẫy” đó, đứng trong hàng các dân tộc tiên tiến nhất thế giới.

“Khoảng 25 năm trước, chúng ta đã có một ước mơ bị đánh giá bất khả thi, đó là xuất khẩu phần mềm. Rất may rồi ước mơ đó đã thành hiện thực. Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm số 2 thế giới, sau Ấn Độ. Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ phí mất 5 năm đầu sau khi phát động xuất khẩu phần mềm, FPT “hoàn toàn cô đơn” vì các doanh nghiệp Việt khác chần chừ chờ xem tình hình thế nào. Lần này với công nghiệp bán dẫn, không phải chúng ta ước mơ mà thế giới chọn chúng ta. Cần phải làm ngay lập tức, không được bỏ phí 1 tháng, 1 ngày, 1 giờ nào. Nếu chúng ta lại mắc lỗi bỏ phí thời gian thì sẽ hỏng việc lớn”, ông Bình chia sẻ tâm tư.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng:

"Việt Nam sẽ biến mình thành một hub của thế giới về bán dẫn, trước hết là hub nhân lực bán dẫn, tiếp đó là các hub về thiết kế bán dẫn, lắp ráp, testing (kiểm thử), đóng gói… 

Để nhanh chóng có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, cách nhanh nhất là phối hợp doanh nghiệp với trường đại học. Nhà nước sẽ hỗ trợ về các lab (phòng thí nghiệm), license (giấy phép) phục vụ cho chuyện thiết kế chip".

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam (SIV) trực thuộc Hiệp hội nhằm tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế cùng các nguồn lực cần thiết khác để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. 

Ủy ban sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ vận động, xây dựng chính sách, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác, và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số tham gia chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu.