Bán hàng trực tuyến giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” để giới trẻ khởi nghiệp. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ những câu chuyện khi đưa nông sản lên các nền tảng mạng xã hội và thu hút được nhiều khách hàng.
Nguyễn Thị Tường Thảo đến từ Đà Lạt, Lâm Đồng (kênh Tiktok Thảo Mola của "Món lạ vườn nhà" với gần 180.000 lượt theo dõi và 1,5 triệu lượt thích) chia sẻ câu chuyện của mình: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Ka Đô, Đơn Dương - thủ phủ rau của tỉnh Lâm Đồng. Khi trưởng thành, tôi là một kỹ sư hóa học, từng có thời gian làm việc trong phòng kiểm định hóa chất của một công ty nước ngoài ở thành phố HCM với mức lương không hề thấp. Thế nhưng, tình yêu với nông sản khiến tôi trở về khởi nghiệp với nông nghiệp".
"Từ các video giới thiệu về ớt trái cây sweet palermo, chanh dây Nam Mỹ, cà rốt cầu vồng, ớt móng tay... sau chưa đầy 2 tháng lập kênh, tôi đã có video trên 4 triệu lượt xem. Đặc biệt, video giới thiệu bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem trở thành một hiện tượng mạng. Có ngày tôi nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này. Lần đầu tiên mở tính năng livestream bán hàng, chỉ sau 15 phút, tôi chốt được gần 1.000 đơn hàng", Tường Thảo cho biết.
Câu chuyện của bạn Chảo Thị Yến (Lào Cai) cũng thu hút được nhiều sự quan tâm. Là một thạc sĩ 9X, người dân tộc Dao Tuyển (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), Yến cũng mới xây dựng kênh Tiktok của mình sau khi tham dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022.
"Từ đợt dịch Covid-19, em đã thấy tiềm năng bán hàng trên Tiktok, nhưng em lại không có sản phẩm để bán, trong khi bà con nông dân có hàng bán nhưng chưa biết cách làm video Tiktok. Do đó, em đã có hướng dẫn cho các nhóm nông dân để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số này.
Trước đây, em vẫn nghĩ việc livestream bán hàng khiến "giá trị" bản thân đi xuống. Sao mình là thạc sĩ học ở nước ngoài về mà phải ngồi bán hàng livestream? Nhưng khi làm thì thấy hiệu quả rất to lớn, và thấy việc làm này có thể mang lại hiệu quả rất lớn cả về hình ảnh lẫn lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng thì không lý do gì mà không tiếp cận", Chảo Thị Yến chia sẻ.
Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh chia sẻ: Sau 1 thời gian học tập, làm việc ở Hà Nội, tôi quyết định về quê ở Tuyên Quang lập nghiệp bán sản phẩm nông sản bán online. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, tôi đã bán 15 sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang như sắn dây, măng nứa, mơ, chè đậu đen, thịt, lạp xưởng...
“Tôi bán hàng trên Tiktok từ năm 2019 và mặt hàng tôi bán đầu tiên đó là sâm đất. Tôi đã bán được 100 tấn sâm đất trong 1 tháng. Hay trong 1 tháng tôi cũng bán được hơn 3 tấn mơ. Khách hàng trong miền Nam họ rất thích quả mơ. Để tăng tương tác, thu hút khách hàng, tôi đã làm rất video cho người xem để họ thấy thích, thấy ấn tượng, tạo thành các trend về nông sản”, Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh chia sẻ.
Cùng với bán nông sản qua mạng xã hội (Facebook, tiktok, zalo...), anh Vũ Nguyên Bình, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) còn bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn (của Bưu điện Việt Nam). Theo anh Bình, tham gia TMĐT giúp nông dân năng động, tiếp cận với công nghệ số hiện đại, tìm được nhiều bạn hàng cả trong và ngoài nước. Nhờ đó, nông sản “rộng cửa” tiêu thụ hơn.
Không chỉ các hộ gia đình, cá nhân, hiện việc sử dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, đặc biệt là các sàn TMĐT để quảng bá, bán nông sản (cả tươi và chế biến) đang trở nên phổ biến đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Chia sẻ về hiệu quả của việc quảng bá, kinh doanh nông sản trên nền tảng số, bà Phạm Thị Ngọc Tuyền, Đại diện ngành hàng TikTok Shop Việt Nam cho hay, việc livestream bán vải thiều ở Bắc Giang đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi các TikToker đã đến tận nơi quay video, sản phẩm rõ nguồn gốc, chân thực. Do đó câu chuyện sẽ đi nhanh hơn, tiếp cận sâu rộng hơn.
Có thể thấy, sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhận định, việc ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch đã mang lại kết quả vô cùng to lớn. Dù việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vô cùng khó khăn và rủi ro, nhưng các bạn khởi nghiệp đã vân dụng khá tốt các nền tảng xã hội, thương mại điện tử.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhìn nhận: Việt Nam là có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào. Bán hàng online giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ cực kì hiệu quả, giúp người tiêu dùng kết nối được với nông sản ở các vùng miền khác nhau.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trọng Thủy cũng lưu ý, trong quá trình bán hàng online, nhiều bạn trẻ vẫn còn hạn chế trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, nên hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.
Các trang mạng xã hội có những thuật toán riêng để đưa ra những gợi ý sát với nhu cầu của khách hàng thông qua lịch sử tìm kiếm, trò chuyện, cuộc hội thoại. Các sản phẩm, thương hiệu nông sản có cơ hội xuất hiện với tần suất dày trên mạng xã hội sẽ mang đến độ nhận diện cao cho khách hàng. Nó cũng nhắc nhở khách hàng về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu cung cấp. |