Việt Nam xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực vào 2030
Ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030.
Chiến lược hướng tới mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong CMCN 4.0 (Ảnh minh họa) |
Chiến lược xác định rõ quan điểm coi AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Kế thừa và phát huy những thành tựu mới nhất của nhân loại, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực; từng bước nhận chuyển giao, làm chủ, tiến tới sáng tạo công nghệ.
Đồng thời, tập trung nguồn lực để tạo ra và phát triển các sản phẩm AI, dịch vụ AI quan trọng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Đầu tư có trọng điểm ứng dụng AI trong một số lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường và dịch vụ cho người dân; phát triển mạnh các doanh nghiệp ứng dụng AI, doanh nghiệp khởi nghiệp về AI.
Chiến lược hướng tới mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong CMCN 4.0. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Theo Chiến lược, một mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.
Cũng đến năm 2025, hình thành được 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI ở Việt Nam; nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.
Cùng với đó, đến năm 2025, AI được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Chiến lược còn đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn đến năm 2030 như: Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN
Các mục tiêu trên được áp mức cao hơn cho giai đoạn đến năm 2030 như: Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng…
5 nhóm định hướng chiến lược phát triển AI của Việt Nam
Trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã vạch ra 5 nhóm định hướng chiến lược, bao gồm: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Phát triển hệ sinh thái AI; Thúc đẩy ứng dụng AI; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Để hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ phân công cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp cho 17 bộ, cơ quan gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các bộ: KH&CN, TT&TT, Quốc phòng, Công an, GD&ĐT, KH&ĐT, Tài chính, Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động – Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp; Y tế.
Theo đó, Bộ TT&TT được giao xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, thiết lập và chia sẻ dữ liệu, các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm AI trong các lĩnh vực có tiềm năng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm AI.
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm chủ trì các nhiệm vụ: hình thành nền tảng dữ liệu tính toán; khuyến khích hình thành các tổ chức triển khai đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật và quản lý đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm AI trong các tập đoàn, công ty và các đơn vị nghiên cứu; hình thành các doanh nghiệp cung cấp giải pháp tích hợp dựa trên công nghệ AI, khoa học dữ liệu kết hợp với công nghệ blockchain, điện toán đám mây và Internet vạn vật; xây dựng cơ chế ưu đãi, triển khai công nghệ AI, khoa học dữ liệu thúc đẩy chuyển đổi số…
M.T