Payoo, nền tảng kết nối thanh toán phổ biến tại Việt Nam, vừa gửi báo cáo đánh giá về khả năng hồi phục của từng ngành kinh tế dựa trên lượng giao dịch trên nền tảng này.
Theo đánh giá, trong các đối tác mà Payoo kết nối hệ thống thanh toán trên toàn quốc, bán lẻ đang là ngành có tốc độ hồi phục nhanh chóng tính từ ngày 1/10 đến nay.
Khách hàng trải nghiệm dòng máy iPhone 13 mới ra mắt tại Việt Nam hồi tuần trước. (Ảnh: Hải Đăng) |
Cụ thể, với lĩnh vực điện thoại, điện máy, hệ thống ghi nhận sự hồi phục nhanh chóng ở nhóm cửa hàng nhỏ lẻ với mức độ tăng trưởng gần gấp đôi. Ở các chuỗi cửa hàng điện máy lớn, doanh thu đạt mức 70 - 90% so với trung bình tháng 4 và 5.
Nói với ICTnews, các nhà bán lẻ cũng xác nhận xu hướng hồi phục này.
Phía FPT Shop nhận định tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động của người dân dần bình thường trở lại nên thị trường cũng đã từng bước hồi phục.
Song song với đó, tháng 10 vừa qua iPhone 13 series cũng như nhiều sản phẩm mới từ các thương hiệu khác chính thức bán ra nên doanh số của FPT Shop tăng tốt.
Chuỗi CellphoneS cho biết từ thời điểm mở cửa 1/10 đến nay, doanh số tăng 50% so với thời điểm trước dịch (tháng 4, tháng 5) và vẫn đang duy trì nhịp tăng này.
Báo cáo của Payoo nhận định quá trình học online vẫn tiếp diễn và nhu cầu mua sắm thiết bị phục vụ học tập là một trong những động lực lớn thúc đẩy sự hồi phục nhanh của các nhà bán lẻ hàng điện tử, điện máy.
Cụ thể hơn, CellphoneS cho hay nhóm laptop hiện tại vẫn có nhu cầu cao ở phân khúc tầm trung (10-15 triệu đồng). Ngoài ra, các sản phẩm máy tính chơi game cũng đang tăng trưởng song bị khan hàng, như các máy của Asus, Acer, MSI.
Trên thực tế, nhu cầu mua laptop nói riêng và các thiết bị phục vụ học tập nói chung đã tăng trưởng từ trước tháng 10. Trước đó, nói với ICTnews, ông Phùng Ngọc Tuyên - Giám đốc ngành hàng viễn thông di động Thế Giới Di Động - khẳng định nhu cầu mua laptop đã gia tăng kể từ mùa dịch, kéo dài cho đến nay.
Báo cáo của Thế Giới Di Động trong tháng 9 cho thấy, riêng mảng máy tính xách tay tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, ngành hàng này ghi nhận sản lượng bán ra hơn 50 ngàn sản phẩm và doanh thu gần 1.000 tỷ đồng (tăng 128% so với tháng 9/2020). Lũy kế 9 tháng đầu năm, chuỗi này đạt doanh số gần 3.300 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2020.
FPT Shop nhận định tình hình kinh doanh sẽ khả quan trong thời gian tới khi sức mua bị kìm nén trong thời gian dài. Ngoài ra, quý cuối của năm cũng là quý cao điểm mua sắm, thị trường sẽ vô cùng sôi động khi có rất nhiều dịp lễ, Tết cũng như sẽ ra mắt thêm một vài sản phẩm mới.
Ngoài nhóm siêu thị điện máy dần hồi phục, báo cáo của Payoo cho thấy nhóm siêu thị, trung tâm thương mại trong nửa đầu tháng 10 có doanh số đạt trung bình 90% so với thời điểm trước giãn cách.
Trong đó, nhóm cửa hàng tiện ích và siêu thị tăng trưởng đến 150% trong khi một số cửa hàng trong các trung tâm thương mại vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường nên mức độ phục hồi chỉ bằng gần 50% so với thời kỳ trước đó.
Hải Đăng
Hàng thiết yếu giúp nhà bán lẻ công nghệ vượt đại dịch
Thế Giới Di Động và FPT Retail có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khá tốt, một phần nhờ vào mảng kinh doanh thiết yếu.