Hãy công nhận đi, iOS là một đống hổ lốn. Bạn có thể đắm chìm trong các chi tiết tuyệt vời của Apple nhưng không thể bỏ qua cái nhìn tổng thể được. Một màn hình chính với hàng chục các ứng dụng kèm theo những folder lẻ tẻ, thiếu sự thống nhất hoàn toàn không phải là một thiết kế hữu dụng. iOS và các trang ứng dụng dài ngoằng, nay dường như còn được Android kế thừa và không thể giải quyết được các vấn đề vẫn còn đang tồn tại về trải nghiệm người dùng mà ít ai có thể nhận ra.
Làm thế nào để người dùng tìm được đúng trang ứng dụng, đúng ứng dụng cần thiết, đúng lúc cần mở ? Liệu các ứng dụng có thể kết nối với nhau để các tính năng của chúng có thể đem lại cho người dùng một trải nghiệm mượt mà hơn ? Tại sao và làm thế nào để người dùng tìm kiếm các ứng dụng mới ?
Đây không phải là vấn đề khi iPhone mới được giới thiệu, hoặc khi App Store mới ra đời. Vào thời điểm đó, các ứng dụng còn là một thứ gì đó mới lạ còn các tính năng của điện thoại vẫn chưa được sử dụng như một thói quen hằng ngày. Nhưng tất cả đã thay đổi, khi cuộc sống của chúng ta đều xoay quanh chiếc smartphone mạnh mẽ.
Để giải quyết các vấn đề này, Google hiện đang phát triển một hệ điều hành mobile mang tên Fuchsia. Hiện tại, quá trình nghiên cứu vẫn ở trong giai đoạn đầu nên có lẽ Google sẽ phải mất thêm vài năm nữa để đạt được kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, tâm điểm của Fuchsia vẫn rất thú vị. Hệ điều hành này sẽ loại bỏ hoàn toàn các trang ứng dụng và thay thế bằng các “stories” đại diện cho các ứng dụng được sử dụng thường xuyên.
Từ khóa “stories” ở đây thể hiện việc các thẻ này có thể là một ứng dụng, cũng có thể là một nhóm ứng dụng có liên kết với nhau để giúp người dùng hoàn thành một công việc được đưa ra. Các thẻ này có thể được xây dựng dựa trên hành động người dùng muốn làm, hoặc dựa trên sự liên kết giữa các ứng dụng và khả năng hỗ trợ tương thích lẫn nhau. Hệ thống các thẻ này sẽ lấy “việc mà người dùng mong muốn thực hiện” làm trọng tâm, thay vì các ứng dụng.
Điều này sẽ giải quyết hoàn toàn các vấn đề về trải nghiệm người dùng còn đang tồn đọng. Thay vì các trang ứng dụng lộn xộn, người dùng sẽ chỉ thấy các thẻ được sắp xếp theo nhu cầu và mục đích sử dụng. Ngoài ra, quá trình di chuyển qua lại giữa các ứng dụng cũng sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Fuchsia sẽ đánh giá nhu cầu của người dùng qua các động từ, thay vì các ứng dụng cần thiết.
“Các báo cáo của Google nhận định dự án Magenta như các smartphone và máy tính với vi xử lý cao cấp, dung lượng RAM lớn và có khả năng thực hiện các thao tác tính toán, dự đoán mở và phức tạp.” - trang Ars Technica phát biểu về những gì Google đưa ra liên quan đến dự án Google Magenta và Fuchsia.
Điểm mạnh cuối cùng đang được Google xây dựng của Fuchsia chính là khả năng tìm kiếm. Thay vì chỉ tìm kiến các ứng dụng trong thiết bị của mình, người dùng sẽ nhận được toàn bộ các ứng dụng có liên quan đến nhu cầu, được lựa chọn và sàng lọc kĩ càng bởi chính công cụ tìm kiếm của Google. Bằng cách trên, Google có thể đặt chú gà đẻ trứng vàng của mình vào tâm của hệ điều hành đầy triển vọng này.
Việc không có gì tồn tại mãi mãi trong thế giới thiết kế công nghệ sẽ luôn là một đặc điểm, một tính năng chứ không phải một sai lầm. Ngoài những thứ vốn luôn là mặc định như khả năng phản hồi, các phím điều hướng hay tính thống nhất, mọi thứ sẽ luôn thay đổi. Hãy mong rằng các ông lớn công nghệ sẽ tìm ra cách để tối ưu các tính năng cơ bản và sửa chữa những bất tiện nhằm đem lại cho chúng ta, những người dùng công nghệ một trải nghiệm tuyệt vời.
Theo GenK