Theo lý thuyết, điều này hoàn toàn vô lý. Phần lớn lợi nhuận của Google đến từ việc bán quảng cáo, tại sao công ti này lại tự phát triển tính năng cắt đứt “nguồn sống” của họ?
Đơn giản, vì Google không còn cách nào khác.
Hiện tại, Google đang phải trả cho Adblock Plus, dịch vụ chặn quảng cáo lớn nhất bây giờ, một khoản tiền khổng lồ lên tới 25 triệu USD để quảng cáo của mình “lọt qua”.
Trong khi Chrome đang được coi là trình duyệt web nổi tiếng nhất hiện nay, Google vẫn đang phải cạnh tranh với các công ti khác ở thị trường châu Á, phần lớn trong số đó đều tích hợp tính năng adblock của riêng họ vào trình duyệt. Nếu Google muốn trình duyệt “cây nhà lá vườn” của mình giữ vững vị trí, họ cần phải thay đổi.
Nếu bạn đang sử dụng adblock, khả năng lớn bạn đang sử dụng Adblock Plus hoặc Adblock. Theo PageFair, hiện đang có 615 triệu thiết bị trên thế giới sử dụng các dịch vụ ngăn chặn quảng cáo.
Trên thực tế, Adblock Plus không chặn toàn bộ các quảng cáo mà tính phí các công ti như Google, cho phép các quảng cáo của công ty này được chạy trên các trình duyệt có sử dụng Adblock Plus. Đây chính là quá trình “whitelisting”, cách mà Adblock Plus thu về lợi nhuận.
Google phải trả tiền cho Adblock Plus đồng nghĩa với việc công ty này không còn hoàn toàn kiểm soát công việc kinh doanh quảng cáo của chính mình. Do đó, tính năng adblock mà Google đang phát triển dành cho Chrome sẽ giải quyết vấn đề này.
Toàn bộ ngành công nghiệp quảng cáo đều không hề ưa quá trình “whitelisting” và thường coi nó như là một hình thức “tống tiền”. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng chất lượng quảng cáo cần được nâng cao nếu muốn người dùng ngừng sử dụng các dịch vụ adblock.
Phần lớn người dùng chặn các loại quảng cáo do chúng gây rất nhiều phiền toái, tốn thời gian, ngốn dữ liệu di động và thỉnh thoảng còn tự động phát ra âm thanh. Tất cả các nhà xuất bản quảng cáo đều nhận ra vấn đề này và thành lập tổ chức “Coalition for Better Ads” nhằm giúp ngành quảng cáo phát triển theo chiều hướng tốt hơn dành cho người tiêu dùng.
Tổ chức này đã cấm một vài loại quảng cáo, chủ yếu hướng tới các video quảng cáo tự chạy và các hình thức quảng cáo pop-up phiền toái. Các công ty như Google, Facebook và hàng loạt các nhà xuất bản quảng cáo uy tín khác đều đang giữ vị trí trong tổ chức này. Vì vậy, tất cả các quảng cáo đến từ họ đều sẽ tuân theo các tiêu chuẩn mà tổ chức này đặt ra.
Dịch vụ adblock của Google cũng sẽ cho phép các quảng cáo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn được hoạt động và loại bỏ hoàn toàn quá trình “whitelisting”. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ nhìn thấy các quảng cáo có chất lượng tốt hơn và tải nhanh hơn trên trình duyệt. Các pop-up cũng như quảng cáo ẩn hay các loại hình quảng cáo phiền toán khác vốn thường gặp phải trên các trang web kém chất lượng chính là những gì mà dịch vụ này sẽ ngăn chặn.
Adblock Plus cũng nhận ra điều này từ sớm và đã có các động thái tương tự. Công ty này cũng thành lập ủy ban “Acceptable Ads” của riêng mình với vai trò kiểm duyệt các quảng cáo sẽ được lưu hành nhưng chưa được số đông ủng hộ.
“Tôi thấy ngạc nhiên khi Google vẫn chưa thực sự lợi dụng thị phần khổng lồ mà Chrome đang nắm giữ. Thay vào đó, họ để các doanh nghiệp khác tiến vào và đóng chiếm thị trường. Từ trước đến nay, Google vẫn luôn thắt chặt quyền sử dụng hệ sinh thái của mình đối với các dịch vụ ngoài nên bất kì động thái nào nhắm vào thị trường mà Google kiểm soát đều được coi là một bước đi sai lầm.” - Paul Mead, chủ tịch của VCCP Media chia sẻ với Business Insider
Paul cũng cho biết Google đang nghĩ rằng toàn bộ ngành công nghiệp quảng cáo đang phát triển rất chậm. Việc chỉ chú tâm vào lợi nhuận ngắn hạn mà các quảng cáo chất lượng thấp đem lại sẽ đem lại cho người dùng trải nghiệm sử dụng rất tệ. Tính năng adblock mà Google đang phát triển sẽ giúp áp đặt các tiêu chuẩn mới lên toàn bộ quảng cáo mà họ cung cấp.
Theo Paul Lomax, giám đốc công nghệ của nhà xuất bản tạp chí Dennis, tính năng adblocker trên Chrome sẽ có các tác động tích cực. Các nhà xuất bản cũng sẽ được lợi nếu người đọc tạp chí của họ có trải nghiệm tốt hơn và không bị các “quảng cáo bẩn” hành hạ.
Theo GenK