Khoảng 17 - 19h, đi qua cổng chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều người thường để ý tới một xe bánh mì nhỏ nhưng tấp nập, đông đúc. Vợ chồng chủ quán người nhanh tay cắt bánh, người thoăn thoắt xếp từng miếng xá xíu, dưa chuột... vào chiếc bánh mì nóng hổi, rưới thêm sốt, chút tương ớt cay nồng.
"Vâng chị chờ em một chút", "Bánh mì chuột có ngay đây bạn ơi", "Em ăn tương ớt không?"... chủ quán vừa làm vừa hỏi từng khách.
Điều thú vị, khách không mua 1, 2 chiếc bánh mì mà họ gọi 5 chiếc, 10 chiếc, thậm chí 20 chiếc. Lí do là bởi, quán chuyên bán bánh mì tí hon hay còn gọi là bánh mì "chuột", kích cỡ chỉ bằng bàn tay, "cắn vài miếng là hết". Nhiều người ở xa nên khi có thời gian ghé qua, sẽ mua hàng chục chiếc về cho gia đình.
Đúng giờ tan tầm, bụng đói cồn cào, thực khách càng nóng lòng đợi bánh và muốn mua vài chiếc ăn cho thỏa.
Xe bánh mì này là của vợ chồng chị Dung Hòa (50 tuổi, Hà Nội). Theo chị Hòa, hai vợ chồng đã bán bánh mì ở chợ Đồng Xuân được 19 năm.
Ban đầu, chị bán bánh mì que Hải Phòng với nhân pate đơn giản. Sau khi thưởng thức món phở xíu, xôi xíu thơm ngon, chị nảy ra ý tưởng kết hợp bánh mì với thịt xá xíu. Chủ quán chọn loại bánh mì tí hon để tạo khác biệt với rất nhiều hàng bánh mì nổi tiếng quanh khu vực, đồng thời khách dễ mang đi, không lo ăn bị ngán.
Xe bánh mì của chị Hòa hiện nay bán hai loại là bánh mì que với nhân pate, ruốc và bánh mì "chuột" nhân thịt xá xíu, pate, ruốc, dưa chuột, rau mùi, hành phi... "Các nguyên liệu để nhồi vào bánh mì, hai vợ chồng tôi đều tự tay làm.
Chúng tôi thường mua đồ về sơ chế, chế biến từ 6h đến hơn 15h thì đẩy xe ra bán. Ngày cao điểm, nhà tôi bán được 700 - 800 cái", chị Hòa chia sẻ.
Những chiếc bánh mì chuột được đặt hàng từ một lò bánh của người thân chị Hòa. Bánh có vỏ giòn, phần ruột mịn nhưng không quá đặc, thoang thoảng mùi thơm của bột. Bánh mì được bảo quản trong tủ kín để luôn nóng hổi.
Chị Hòa tỉ mỉ phết một lớp pate béo ngậy, xếp từng miếng thịt xá xíu thấm đẫm gia vị, xen lẫn dưa chuột, rau thơm vào trong bánh mì. Chưa hết, chủ quán còn rưới thêm phần nước sốt chanh và tương ớt. Phần sốt này do chị Hòa tự chế biến theo công thức riêng, mang vị chua dịu nhẹ, cân bằng với vị mặn, ngọt của thịt xá xíu.
Món xá xíu được chủ quán làm từ phần nạc vai, tẩm ướp kĩ càng rồi nướng với nhiệt độ vừa phải để giữ được độ mềm và ngọt tự nhiên. Mỗi ngày, quán bán hết khoảng 12 - 15kg thịt xá xíu. Pate cũng do chị Hòa tự làm.
"Bánh mì giòn tan, phần nhân đầy đặn, đậm đà kết hợp hài hòa với nước sốt chanh. Đứng cạnh xe bánh, mùi thịt xá xíu đã khiến tôi cồn cào rồi. Khi ăn thì thấy hương vị hấp dẫn lắm, ăn 1, 2 chiếc chưa thấy đã", một thực khách cho hay.
Chủ quán cho biết, chiếc bánh mì sẽ ngon nhất khi ăn tại chỗ, bánh và nhân nóng hổi.
Chị Hương (25 tuổi, Long Biên, Hà Nội) là khách ruột của quán. Lần nào tới đây, chị cũng mua chục chiếc về mời gia đình. Chị rất thích phần pate béo ngậy, nước sốt thơm và tương ớt của quán.
Chủ quán tâm sự, hai vợ chồng luôn tâm niệm giữ gìn hương vị truyền thống của bánh mì Việt Nam. Ban đầu, xe bánh mì chủ yếu phục vụ người lao động, người dân quanh khu vực nhưng lâu dần đón rất đông du khách trong nước và quốc tế.
"Khách du lịch thường thử nhiều món đặc sản khác nhau của Hà Nội. Do đó, loại bánh mì tí hon của tôi lại phù hợp với họ, không khiến họ quá no hay quá ngán. Đôi khi, chiếc bánh mì nhỏ nên du khách ăn thòm thèm, vì thế mà nhớ mãi", chị Hòa nói.
Trên mạng xã hội, rất nhiều bài viết khen hương vị bánh mì vỉa hè của vợ chồng chị Hòa. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, mức giá 10.000 đồng cho một chiếc bánh mì chỉ to bằng lòng bàn tay, ăn 3-4 chiếc mới đủ no, là quá đắt.
"Tôi bán giá phù hợp với chất lượng, công sức. Chiếc bánh mì tuy nhỏ nhưng phần nhân rất đầy đặn", chủ quán cho hay.