Trong 3 giờ vừa qua, bão số 3 Yagi tiếp tục giảm thêm 1 cấp và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 7.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 22h đêm nay (6/9), vị trí tâm bão số 3 trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh khoảng 310km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Như vậy, sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão Yagi đã giảm 2 cấp.
Dự báo diễn biến bão (trong 24 đến 48 giờ tới):
Đêm 6/9, cập nhật về diễn biến bão số 3 Yagi, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 2 giờ qua, bão số 3 di chuyển nhanh theo hướng Tây, tốc độ 20km/h. Dự báo trong 3 giờ tới bão Yagi di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h.
"Trong khoảng 2 giờ tới mây đối lưu được tổ chức tốt hơn, bão số 3 sẽ có xu hướng tăng cấp trở lại. Tuy nhiên, do hoàn lưu của bão số 3 vẫn chịu sự chi phối của đảo Hải Nam và phần đất liền của Trung Quốc nên việc tăng cấp không nhiều", ông Lâm cho biết.
Cũng theo nhận định của ông Lâm, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) được dự báo là khu vực có gió mạnh đầu tiên, vào khoảng 1- 4h sáng 7/9; gió sẽ mạnh dần lên cấp 6. Sau đó, vùng gió mạnh sẽ mở rộng xuống vùng nam của Quảng Ninh và Hải Phòng.
"Chúng tôi vẫn xác định Quảng Ninh và Hải Phòng là trọng tâm của vùng gió mạnh lần này. Có khả năng gió ở khu vực này sẽ đạt đến cấp 11, 12 khu vực ven biển, khả năng xảy ra rủi ro thiên tai cấp 4. Khu vực ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa gió dự báo cấp 8, cấp 9 giật cấp 10, 11" - ông Lâm nhấn mạnh.
Từ 1h đêm nay, mưa sẽ tăng dần trong đất liền, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định lượng mưa dự báo đạt ngưỡng 200-350mm.
Khoảng 4-7h sáng 7/9, khu vực Hà Nội sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão.
Cụ thể dự báo tác động của bão
Gió mạnh
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông đêm 6/9 còn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Ngày 7/9 gió giảm dần.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền: Từ nửa đêm 6/9 đến gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9).
Nước dâng, sóng lớn
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông đêm 6/9 còn có sóng biển cao 3-5m. Ngày 7/9, độ cao sóng giảm dần.
Khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) sóng cao 3-5m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m.
Từ gần sáng 7/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3m, sau tăng lên 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m.
Nước dâng/rút do bão
Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá)-2m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9 và nước rút do bão, khoảng 0,5m (Thanh Hoá)-1m (Quảng Ninh) xuất hiện vào sáng 7/9.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão.
Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Mưa lớn
Từ gần sáng 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, đêm 6/9 ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra giông, tố, lốc và gió giật mạnh trước khi bão ảnh hưởng.