Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 7h sáng nay (19/10), vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Trong 24 giờ tới, bão vẫn di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h, và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h sáng mai (20/10), vị trí tâm bão trên khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cường độ gió cấp 8-9, giật cấp 11.
Tuy nhiên, khoảng 24 giờ sau đó, bão "bẻ hướng" di chuyển, theo hướng Nam Tây Nam, trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, giảm còn 5-10km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới sau là một vùng áp thấp.
Sáng 19/10, trao đổi với PV VietNamNet, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 5 di chuyển dọc ven biển nhưng cách xa đất liền, nên mây đối lưu gây mưa chủ yếu cho khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.
"Khoảng đêm 19, sang ngày 20/10, không khí lạnh tăng cường khá mạnh, bão số 5 sẽ suy yếu nhanh. Bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây mưa, có nơi mưa vừa, mưa to cho khu vực phía Đông Bắc Bộ", ông Lâm thông tin.
Cụ thể, cơ quan khí tượng cho biết, đêm 19/10, ở vùng ven biển, khu vực Nam Đồng Bằng, khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và giông với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm. Dự báo, mưa giông ở những khu vực trên có khả năng kéo dài đến ngày 21/10.
Ngoài ra, chiều và đêm nay, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).
Cũng do ảnh hưởng của bão số 5, thời tiết khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm Cô Tô, Bạch Long Vĩ) và vùng biển Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh; sóng biển cao 2-4m, sau tăng lên 3-5m.
Từ đêm nay, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.