Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập theo nguyện vọng của các thành viên gia đình Đại tướng. Bảo tàng nằm ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, mở cửa thử nghiệm từ 6/7/2023.
Thiết kế của tòa nhà mô phỏng căn nhà gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng sống ở 34 phố Lý Nam Đế, dựa trên ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng với nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Tại ngôi nhà Đại tướng và gia đình sinh sống từ 1958-1986, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhiều lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm. Đặc biệt, đây cũng là nơi diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hướng đến một không gian học thuật cho các nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài nước. Do đó, bảo tàng là nơi trưng bày hiện vật - văn bản gốc, góp phần làm nổi bật từng giai đoạn cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, PGS, TS Bùi Chí Trung - giảng viên Viện Đào tạo Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cố vấn Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.
Theo PGS, TS Bùi Chí Trung, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ hướng việc kết nối lịch sử của Việt Nam thông qua “triết lý số” trên toàn cầu. Bởi lẽ, 10% hiện vật tại bảo tàng có thể thấy bằng mắt thường; 90% còn lại sẽ phụ thuộc vào phương tiện số như tư liệu, phim, ảnh...
Nhờ vậy, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tạo nên một thiết chế văn hóa mạnh mẽ, trở thành địa chỉ đỏ rực sáng giữa lòng Thủ đô về người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng, vị tướng tài ba, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Hiểu rõ một con người qua những khu trưng bày bình dị
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội là không gian ấn tượng dành cho một nhân vật lịch sử.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ được biết tới là “ông tướng du kích” với 10 bài học đánh Mỹ, “bắt Mỹ ăn cháo bằng dĩa”, sau này trong quá trình đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, ông nổi tiếng với danh hiệu “Đại tướng làm nông nghiệp”, gắn với nhiều phong trào, hình mẫu sản xuất như “Gió Đại Phong”, “Thi đua Ba Nhất”, “Phá xiềng ba sào”... góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền Bắc tiến bước vững chắc.
“Những vật dụng trưng bày trong bảo tàng bình dị như mũ cối, xe đạp, bức ảnh ông xuống đồng cấy lúa với nông dân toát lên hình mẫu của vị tướng “nông dân” giản dị. Sinh viên từ các ngành học về lịch sử, khoa học xã hội nên ghé thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như một cách tiếp cận với địa chỉ giáo dục trực quan. Thế hệ mai sau có thể đưa bảo tàng thành trung tâm nghiên cứu nhân vật, thời đại lịch sử”, ông Dương Trung Quốc khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bày tỏ, Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh ra đời vô cùng có ý nghĩa, giúp cho nhân dân, quân đội và đặc biệt thế hệ trẻ có thể hiểu biết về cuộc chiến tranh, về cuộc cách mạng mà một con người đã dành toàn bộ sức lực của mình vào đó.
Tới tham quan bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bị thu hút bởi những thông điệp, chủ đề được thể hiện ở đây.
“Tám chủ đề trưng bày là thông điệp về chân dung một nhà cách mạng toàn tâm, toàn ý đối với dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Thế hệ mai sau nhớ tới Đại tướng ở sự giản dị, chân thành với đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, tính tương tác là yếu tố không thể thiếu đưa người xem tới gần, hiểu rõ ý nghĩa từng hiện vật. Ông cho rằng, gia đình nên cân nhắc bố trí hài hòa không gian trưng bày để khách tham quan không bị ngợp trước ngồn ngộn thông tin bằng chữ, ảnh, hiện vật. Thay vào đó, PGS. Nguyễn Văn Huy đề xuất nên tăng cường video, thuyết minh về tài chỉ huy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong những trận đánh tại chiến trường miền Nam.
Minh chứng của cả một thời đại hào hùng
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, không gian bảo tàng chứng tỏ sự cố gắng lớn của gia đình và cộng sự.
“Sau 35 năm trong quân đội và thời gian công tác ở Viện Lịch sử quân sự, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tôi đánh giá rất cao tính cách, sự cống hiến và có thể gọi là phong cách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ.
Ông bất ngờ khi tham quan một vòng và nhận ra có những tư liệu, hình ảnh về Đại tướng chưa bao giờ xuất hiện. Ông đề xuất ý tưởng phát triển Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thành thư viện về Đại tướng nhằm phục vụ nghiên cứu.
Là một người lính, lại hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, đọc những tập sách viết về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Theo ông, các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng thể hiện rất rõ 3 phẩm chất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đó là: Đức - Trí – Dũng.
“Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là minh chứng của cả một thời đại hào hùng, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đồng thời là nơi khắc họa một số dấu ấn của người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Mỗi hiện vật được trưng bày ẩn chứa một câu chuyện riêng, thể hiện rõ cốt cách cũng như tài năng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước nhận định.