Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất trên cả nước với khoảng 362.029 người, chiếm 30,18% dân số toàn tỉnh. Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống của người Khmer.
Độc đáo nghề vẽ tranh trên kính
Tranh kính là loại hình nghệ thuật dân gian được người dân Nam Bộ ưa chuộng. Nếu các địa phương như Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh), Chợ Mới (tỉnh An Giang) phát triển nghề vẽ tranh kính theo phong cách của người Hoa, thì tranh kính của Sóc Trăng, đặc biệt là ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành mang bản sắc văn hóa của người Khmer.
Bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là một nghệ nhân nổi tiếng với nghề khắc tranh trên kính. Nghề truyền thống này ra đời cách đây khoảng nửa thế kỷ, với những bức tranh mang đậm sắc thái văn hóa hội họa của đồng bào Khmer, được thể hiện qua từng nét vẽ chăm chút trên tấm kính trong suốt.
Phần lớn người Khmer theo đạo Phật, vì vậy, những tác phẩm được vẽ trên kính của dân tộc Khmer thường kể về cuộc đời Đức Phật, phong cảnh làng quê, danh lam thắng cảnh hay chùa chiền. Tranh kính được các gia đình mua về để thờ tự hoặc trang trí trong nhà.
Để hoàn thành một bức tranh trên kính phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người vẽ khéo léo, có cặp mắt thẩm mỹ trong phối màu, nét bút thật sắc sảo. Tranh được vẽ trên tấm thủy tinh trong suốt, kích thước bức tranh không giới hạn, màu sắc thì phong phú.
Điểm khó vẽ nhất là mắt và miệng Đức Phật, đôi mắt vẽ phải có hồn và miệng thì như đang cười. Khi bắt đầu vẽ, người thợ đặt tấm kính trên tờ giấy mẫu vẽ ngược rồi dùng bút lông chấm mực vẽ đồ theo tờ giấy mẫu ấy, từ chuyên môn được gọi là “tách”.
Sau khi tách xong, người thợ chấm sơn tô màu theo quy định vào những ô đã tách và “tán” tức pha ô màu từ đậm tới lợt. Tô màu theo trình tự nhất định: vật thể tiền cảnh trước, hậu cảnh sau.
Ngoài màu phông, tranh kính được cẩn ốc xà cừ, dán vàng quỳ...
Cuối cùng là màu phông. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn ốc xà cừ, dán vàng quỳ, tô nhũ kim, hay dán giấy trang kim vào phía sau bức tranh để tăng thêm phần rực rỡ. Sau cùng, họ phủ thêm lớp sơn để bảo vệ rồi mới đặt vào khuôn gỗ đóng hậu, hoàn thành sản phẩm. Phải mất 1 năm học miệt mài thì mới có thể vẽ được các sản phẩm đẹp, phối màu không bị đối nghịch.
Theo bà Vui, trước đây ở xã Phú Tân, gia đình nào cũng biết vẽ tranh trên kính. Đến đây, tranh kính được bà con phơi đầy trước cửa nhà. Cả xã có hơn 100 hộ dân làm nghề vẽ tranh kính, tranh được bán ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.
Mỗi bức tranh kính đòi hỏi độ chính xác cao nên người vẽ phải tỉ mỉ và cẩn thận.
Tuy nhiên, những người dân làm nghề này dần thưa thớt, bởi đây là nghề khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, thu nhập cũng chưa ổn định nên ít ai trụ vững được với nghề. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ, sự cạnh tranh của nhiều loại tranh khác khiến tranh kính dần mai một.
Hiện chỉ còn gia đình bà Vui làm công việc này. Bà cho biết: “Tôi làm chủ yếu vì đam mê và muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc Khmer cho thế hệ sau”.
Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà Vui cũng như thực hiện tốt công tác bảo tồn văn hóa của người Khmer, huyện Châu Thành đã có nhiều giải pháp, chính sách để gìn giữ, phát triển nghề tranh kính. Chính quyền địa phương hỗ trợ cho bà con học nghề và truyền nghề; đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm tranh kính ở các hội chợ, triển lãm.
Bà Vui được hỗ trợ mở lớp dạy nghề tại nhà cho con em người Khmer trong vùng với học viên dao động từ 12 – 15 người. Các học viên đều trong độ tuổi còn trẻ, có tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha.
Ông Phạm Văn Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết: "Địa phương đã xin ý kiến của huyện, tỉnh để hỗ trợ cố gắng duy trì nghề này. Thứ nhất là xây dựng phòng học để truyền nghề cho các em và đã đào tạo được 15 em. Đồng thời đề nghị tỉnh rà soát và bổ sung vào danh mục nghề truyền thống".
Khung kính dùng cho vẽ tranh.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, cho biết: "Tranh trên kính là những tác phẩm rất đẹp. Ngoài vẽ phong cảnh còn vẽ nên những câu chuyện thiết thực, những câu truyện truyền thống, truyền thuyết trước đây mang tính giáo dục. Bà con Khmer theo tín ngưỡng Phật giáo nên các sản phẩm tranh kính vẽ Phật, chùa, hướng thiện.
Với đồng bào Khmer, dù trong cuộc sống hiện đại, mọi vật dụng gia đình có thể đều rất hiện đại và tiện nghi, thì trong ngôi nhà của họ bao giờ cũng có những bức tranh kính mang những ảnh tượng trưng có nét đặc trưng riêng của văn hóa Khmer như ảnh Phật Đản sinh, Phật ngồi thiền, Visssavon (bảo vệ gia đình) đặt ở cửa chính trước nhà, hình Apsara…
Chính những bức tranh trên kính ấy đã tạo nên một nét rất khác trong tâm thức của đồng bào Khmer so với những cộng đồng dân cư sống trên mảnh đất hình chữ S".
Bảo tồn nghề đan đát gắn với phát triển kinh tế
Giống như khắc tranh trên kính, những làng nghề truyền thống khác ở Sóc Trăng như dệt chiếu, đan đát… đều là những nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của người Khmer, từ nghệ thuật về trang trí, chạm khắc, hội họa, đến thể hiện đời sống tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer.
Xã Phú Tân, huyện Châu Thành có 80% dân số là đồng bào Khmer. Trong đó, ấp Phước Quới có tỷ lệ đồng bào Khmer cao nhất, nhì xã.
Từ bao đời nay, ngành nghề đan đát các vật dụng làm từ tre nứa được xem là công việc chủ yếu của rất nhiều lao động nông thôn nơi đây. Những đứa trẻ nhỏ tập tành đan đát một số vật dụng đơn giản dùng trong gia đình. Người lớn hơn thì đan đát các vật dụng công phu như bàn ghế, túi xách để cung cấp sản phẩm cho các điểm tham quan, du lịch tại tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Người dân ấp Phước Quới luôn cải thiện mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến làng nghề đan đát ấp Phước Quới, xã Phú Tân là những dãy nhà khang trang, lộ đal được đầu tư xây dựng. Trước sân nhà, nguyên liệu và các sản phẩm vừa hoàn thành được bày ra đón nắng. Không có những âm thanh ồn ào, không khí làm việc của các hộ dân theo nghề truyền thống rất nhịp nhàng, mỗi người một công đoạn, lặng lẽ và bình yên.
Trước đây, nghề truyền thống đan đát cũng gặp phải vô vàn khó khăn như: Nguồn nguyên liệu phải nhập từ các tỉnh thành khác khiến chi phí sản xuất tăng lên, sự xuất hiện của các sản phẩm làm từ nhựa, inox đang gây sức ép lớn cho sản phẩm của làng nghề. Bên cạnh đó, nghề chưa có một lớp đào tạo, dạy nghề, chỉ học nghề theo phương thức cha truyền con nối…
Nhận thấy tiềm năng của nghề, từ nguồn vốn hỗ trợ trên 1 tỷ đồng của Trung ương, huyện đã đầu tư xây dựng trụ sở, nhà xưởng, nhà trưng bày sản phẩm và máy chẻ nan tre… rồi Hợp tác xã làng nghề ra đời (năm 2006).
Sản phẩm đan đát ở Phước Quới đa dạng về mẫu mã, chủng loại.
Lúc đầu, Phước Quới chỉ có vài chục hộ làm nghề đan đát thì nay đã có vài trăm hộ, đa số là thành viên Hợp tác xã làng nghề, mỗi lao động có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Các xã viên được vay vốn từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo và góp vốn cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi để mua thêm nguyên liệu, máy móc tăng năng suất lao động. Một dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của làng nghề.
Anh Nguyễn Văn Huynh, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam cho biết: “Hợp tác xã hình thành từ làng nghề truyền thống, trước đây làm với quy mô nhỏ lẻ. Hiện nay, xã hội quan tâm tới việc bảo vệ môi trường nên cần nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Vì vậy, muốn tập trung bà con để làm hiệu quả hơn, phù hợp với nhu cầu của xã hội nên tôi xây dựng lại hợp tác xã với mục đích chính là khôi phục làng nghề”.
Để làng nghề phát triển hơn nữa, người dân ấp Phước Quới luôn không ngừng học tập, nâng cao tay nghề và sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, độc đáo, mới lạ theo thị hiếu của khách hàng, thu hút được du khách trong và ngoài nước với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng quà tặng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng: “Nghề đan đát là một trong những nghề lâu năm tạo ra những sản phẩm truyền thống, sử dụng không chỉ trong sinh hoạt hàng ngày mà còn phục vụ cho việc trang trí, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Những sản phẩm ra đời phục vụ nhu cầu của con người muốn trở lại với tự nhiên, trở về với những vùng quê. Có thể nói, các sản phẩm của làng nghề làm ra vừa mang đậm nét truyền thống, vừa đáp ứng xu thế mới hiện nay chính là điều mới và đặc sắc của làng nghề”.
Một số sản phẩm đan đát của bà con ấp Phước Quới.
Xác định ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn, trong các năm qua, hoạt động ngành nghề nông thôn gắn với du lịch luôn được tỉnh Sóc Trăng chú trọng phát triển.
Nghề truyền thống đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Theo ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa chung của tỉnh Sóc Trăng.
"Với phương hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, Sóc Trăng cũng đang đầu tư và bảo tồn các nghề làm cốm dẹt, vẽ tranh trên kiếng, dệt chiếu… Với ưu thế có nét văn hóa đặc sắc, các làng nghề cũng là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch", ông Sơn Thanh Liêm thông tin.