Yên Lập là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Trước đây, đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình chưa được đề cao, nhận thức còn thấp…
Hiện nay, nhận thức về giới và bình đẳng giới của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ mù chữ và bỏ học của trẻ em gái tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã giảm rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được quan tâm. Số vụ bạo hành phụ nữ trong gia đình giảm mạnh; phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội nhiều hơn. Trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đóng vai trò làm chủ kinh tế. Trong cộng đồng xã hội, phụ nữ ngày càng có uy tín, vị thế người phụ nữ ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Đạt được những kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các cấp hội, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Lập có vai trò nòng cốt.
Đi đầu trong công tác bình đẳng giới
Những năm qua, công tác bình đẳng giới tại xã Xuân Thủy luôn nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền. Xuân Thủy đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ xã để tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Cùng với việc tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ 1 tháng/ lần hay trong Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc, các khu còn bám sát các nội dung trọng tâm về bình đẳng giới để vận dụng sáng tạo trong từng mô hình hoạt động như mô hình Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Văn hóa thể thao… thu hút nữ giới ở nhiều độ tuổi tham gia, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, xã còn quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo của địa phương, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em được quan tâm thường xuyên. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã gần như không còn xảy ra trường hợp tảo hôn.
Hội đã phát triển và nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mô hình nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức về pháp luật, y tế liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình với mục tiêu góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn ra khỏi cộng đồng dân cư.
Hàng tháng, quý các câu lạc bộ đều tổ chức sinh hoạt định kỳ hoặc hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phổ biến pháp luật. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, các thành viên được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận các dịch vụ y tế khám, chữa bệnh. Nhiều năm liền trên địa bàn xã không xảy ra trường hợp tử vong liên quan đến thai sản, tỷ số giới tính khi sinh đạt 90 bé trai/100 bé gái.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Hội tham mưu với cấp ủy Đảng xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện, đó là giáo dục về giới, chống tư tưởng coi thường phụ nữ, chống các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, thành lập địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Đồng thời phát động phong trào Phụ nữ tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp dạy nghề cho chị em như kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn, trồng bưởi, lúa chất lượng cao... giúp chị em khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên.
Hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Thanh, người dân tộc Mường công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Lạc đã luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, củng cố phong trào bình đẳng giới tại xã.
Chị luôn tích cực tham mưu cho Hội thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, tuyên truyền hội viên, phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ trong khu dân cư nhận thức được vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Những sự kiện nổi bật và có hiệu quả trong việc củng cố bình đẳng giới mà chị đã phụ trách gồm: Phong trào thi đua "Phụ nữ Đất Tổ thân thiện, nhân ái, đoàn kết, hội nhập, phát triển", Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình"…
Chị cũng thường tổ chức vận động hội viên phụ nữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên nhà văn hóa, vận động các hội viên và nhân dân trong khu xây dựng trồng cây tại nhà văn hóa khu, trồng đường hoa…
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Lập đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới.
Năm 2022, Hội chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 với chủ đề “Gia đình bình an- xã hội hạnh phúc”. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”...
Tổ chức tọa đàm, gặp mặt, giao lưu văn nghệ, tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi, tặng quà cho trẻ em mồ côi, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức hội thi ẩm thực; ra mắt Câu lạc bộ Văn nghệ - thể dục thể thao, Tủ quần áo dài truyền thống, Câu lạc bộ Nữ cựu quân nhân, Câu lạc bộ Bóng chuyền hơi nữ, mô hình Trồng hoa trên chậu nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Tổ chức cho 432 chị là cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia Hội nghị truyền thông trực tuyến “Giáo dục giới tính trong gia đình" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp tổ chức hội nghị giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho mẹ và bé, cân trẻ và uống vitamin, cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền giảm thiểu chênh lệch giới tính khi sinh, công tác kế hoạch hóa gia đình thu hút 489 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và trẻ vị thành niên tham gia.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật triển khai đến các xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện giám sát các chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Nuôi con nuôi…
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bằng các hình thức phù hợp với địa phương và tình hình dịch bệnh Covid-19. Tổ chức tuyên truyền thông qua Hội nghị Ban Chấp hành, lồng ghép sinh hoạt chi, tổ Hội và thông qua nhóm Zalo trong hệ thống Hội. Tổ chức hội nghị cán bộ cơ quan, các đồng chí cán bộ Hội cơ sở tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chỉ đạo 100% cơ sở Hội tổ chức lấy ý kiến bằng các hình thức phù hợp.
Tổng hợp báo cáo giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2017 - 2022 gửi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Xây dựng Kế hoạch và ban hành Quyết định thành lập đoàn giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án 938/CP về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn I (2017 - 2022). Đoàn đã tiến hành giám sát trực tiếp tại UBND xã Mỹ Lương và UBND xã Nga Hoàng. Giám sát gián tiếp thông qua báo cáo của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và tổng hợp báo cáo, ban hành Thông báo kết luận theo đúng nội dung kế hoạch đề ra.
Chỉ đạo 04/17 cơ sở Hội tổ chức giám sát độc lập với nội dung: giám sát UBND xã trong thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số giai đoạn từ năm 2018 - 2022; thực hiện chi trả tiền điện cho hộ nghèo và chi trả tiền trợ cấp cho người có công.
Tới đây, Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, đa dạng hóa hình thức tập hợp, thu hút hội viên hướng tới đa dạng các đối tượng phụ nữ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ. Xác định đối tượng phụ nữ đặc thù trên địa bàn để xây dựng các mô hình tập hợp thu hút phù hợp, các mô hình tập hợp, thu hút hội viên và phụ nữ đặc thù như mô hình tập hợp, thu hút hội viên dân tộc, tôn giáo; mô hình thu hút hội viên phụ nữ cao tuổi và một số mô hình khác như“3 không 1 có", “Nói không với tảo hôn”...