Sáng 29/6, cổ phiếu XDC của Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng không còn tăng kịch trần thêm 15% như trong 30 phiên trước. Tuy nhiên, với mức tăng thêm 117.800 đồng, cổ phiếu này lên mức giá rất đẹp là 999.900 đồng/cp
Đây là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại, bỏ rất xa các mã khác.
Chuỗi tăng dữ dội của cổ phiếu XDC bắt đầu từ ngày 21/4, từ mức giá 13.700 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu này đã tăng gần 72 lần trong vòng hơn 2 tháng, tương đương mức tăng 71.000%. Tuy nhiên, thanh khoản rất thấp. Mỗi phiên chỉ một vài trăm mã khớp lệnh, cao nhất là vài nghìn
Cổ phiếu XDC ghi nhận mức tăng kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho dù doanh nghiệp này không có kết quả kinh doanh hay thông tin gì quá đặc biệt công bố ra công chúng.
XDC bắt đầu đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM từ ngày 1/12/2022 với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 8.200 cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty là 90 tỷ đồng, tương ứng với 9 triệu cổ phần.
Trước khi cổ phần hóa, XDC là doanh nghiệp do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sở hữu 100% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng, sửa chữa công trình; nạo vét cảng sống, cảng biển và cho thuê máy móc, thiết bị cẩu bờ. Địa bàn hoạt động kinh doanh tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM.
Trong 5 năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của XDC không có gì đặc biệt, không tăng. Doanh thu chỉ vài trăm tỷ/năm nhưng lợi nhuận chỉ vài tỷ đến chục tỷ đồng.
Hiện, cơ cấu cổ đông của XDC cũng chưa rõ do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Công trình Tân Cảng chưa chuyển đổi thành loại hình công ty cổ phần.
Dù vậy, việc cổ phiếu XDC tăng giá có thể giúp vốn hóa của doanh nghiệp này tăng vọt. Và nếu vẫn với 9 triệu cổ phần, vốn hóa của XDC đã lên tới 9.000 tỷ đồng.
Đại diện một công ty chứng khoán cho rằng, XDC là một dạng cổ phiếu không có thanh khoản, “hàng” ngoài đại chúng gần như không có. Việc giá tăng giảm khó kiểm soát, chỉ cần cổ đông “đảo tay” vài trăm cổ phần là cổ phiếu tăng trần.
Gần đây, chia sẻ với VietNamNet, ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho rằng, trong một số trường hợp giá cổ phiếu được đẩy lên để giúp làm tài sản thế chấp vay.
“Cái này gọi là tạo thanh khoản và giữ cổ phiếu trong một thời gian dài”, ông Kháng chia sẻ.
Theo chuyên gia này, giá cổ phiếu nhiều khi được neo giá mà không phải do cung cầu tự nhiên, mà chỉ là trao đổi giữa “tay trái và tay phải” với nhau.
Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng xử phạt rất nhiều vụ thao túng trên thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu trong các vụ thao túng giá tăng giảm vài chục lần trong khoảng thời gian ngắn và nhiều trong số đó được tung hô trên mạng xã hội cho dù doanh nghiệp làm ăn bết bát, thậm chí thua lỗ.
Một số vụ điển hình như, thao túng tại nhóm cổ phiếu “họ APEC” với ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Hay trước đó là vụ thao túng tại nhóm Louis của Đỗ Thành Nhân; Vụ án Trịnh Văn Quyết; hay vụ Công ty MTM khi nguyên Chủ tịch Trần Hữu Tiệp bị xử tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.