Trong phiên giao dịch ngày 3/7, cổ phiếu XDC của CTCP Xây dựng Công trình Tân Cảng tiếp tục không có giao dịch, trong khi vẫn còn dư bán 1.600 đơn vị ở mức giá sàn 850.000 đồng/cp.
Đây là phiên thứ 2 liên tiếp, cổ phiếu XDC không có giao dịch. Chốt phiên, XDC vẫn đứng ở mức 999.900 đồng/cp, tiếp tục giữ vững ngôi vị có thị giá cao nhất trên 3 sàn HOSE, HNX và Upcom.
Trước đó, trong phiên ngày 29/6, XDC tăng vọt phiên thứ 31 liên tiếp lên 999.900 đồng/cp. Cổ phiếu VNZ của CTCP VNG hôm 3/7 tăng 13.300 đồng lên 730.000 đồng/cp, giữ vị trí á quân trên sàn chứng khoán về thị giá.
Trong báo cáo giải trình, lãnh đạo XDC cho biết, các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Việc giá cổ phiếu XDC tăng trần 5 phiên liên tiếp do cung cầu thị trường. Quyết định mua bán cổ phiếu do nhà đầu tư, nằm ngoài kiểm soát của công ty.
Hiện, công ty đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 8.200 cổ phiếu XDC trên tổng số 9 triệu cổ phiếu. Công ty không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường trong thời gian qua.
Chuỗi tăng dữ dội của cổ phiếu XDC bắt đầu từ ngày 21/4, từ mức giá 13.700 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu này đã tăng gần 72 lần trong vòng hơn 2 tháng, tương đương mức tăng 71.000%. Tuy nhiên, thanh khoản rất thấp. Mỗi phiên chỉ một vài trăm mã khớp lệnh, cao nhất là vài nghìn
Cổ phiếu XDC ghi nhận mức tăng kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán cho dù doanh nghiệp này không có kết quả kinh doanh hay thông tin gì quá đặc biệt công bố ra công chúng.
XDC bắt đầu đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM từ ngày 1/12/2022 với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 8.200 cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty là 90 tỷ đồng, tương ứng với 9 triệu cổ phần.
Trước khi cổ phần hóa, XDC là doanh nghiệp do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sở hữu 100% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng, sửa chữa công trình; nạo vét cảng sống, cảng biển và cho thuê máy móc, thiết bị cẩu bờ. Địa bàn hoạt động kinh doanh tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM.
Trong 5 năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của XDC không có gì đặc biệt, không tăng. Doanh thu chỉ vài trăm tỷ/năm nhưng lợi nhuận chỉ vài tỷ đến chục tỷ đồng.
Mới đây, XDC cũng công bố thay đổi giấy đăng ký kinh doanh với nội dung chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV thành Công ty cổ phần từ 15/6.
Dù vậy, việc cổ phiếu XDC tăng giá có thể giúp vốn hóa của doanh nghiệp này tăng vọt. Và nếu vẫn với 9 triệu cổ phần, vốn hóa của XDC đã lên tới 9.000 tỷ đồng.
Một số chuyên gia cho rằng, XDC là một dạng cổ phiếu không có thanh khoản, “hàng” ngoài đại chúng gần như không có. Việc giá tăng giảm khó kiểm soát, chỉ cần cổ đông “đảo tay” vài trăm cổ phần là cổ phiếu tăng trần. Một số cổ phiếu được đẩy giá lên để giúp vốn hóa doanh nghiệp tăng, qua đó thuận lợi trong việc thế chấp vay vốn.
Thanh khoản ở mức thấp
Trong phiên giao dịch 3/7, thị trường chứng khoán ghi nhận áp lực bán ra giảm bớt nhưng sức cầu còn thấp. VN-Index quay đầu tăng 5,32 điểm lên 1.125,5 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản ở mức thấp, chỉ đạt 12.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó có 10.794 tỷ đồng trên HOSE.
Nhóm cổ phiếu “họ APEC” gồm các mã APS, API, IDJ tiếp tục giảm sàn phiên thứ 6 liên tiếp, bốc hơi khoảng 40%. Dư bán sàn của các cổ phiếu này còn rất lớn, tổng cộng hàng chục triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu chủ chốt VN30, sự phân hóa khá mạnh, diễn ra cả ở nhóm ngân hàng, bất động sản, bán lẻ.
Cổ phiếu tăng ấn tượng hôm nay là BID (BIDV), BCM và Vinhomes (VHM).
Trên thị trường chung, nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản diễn biến tích cực, với nhiều mã tăng điểm mạnh như: Vĩnh Hoàn (VHC), SJ1, FMC…
Sau một đợt tăng khá mạnh gần đây, nhiều chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán trong tháng 7 sẽ trầm lắng hơn, thiên về xu hướng tích lũy. Dòng tiền được dự báo chưa rút ra khỏi thị trường dù vĩ mô vẫn còn xấu.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu, dòng tiền được cho là tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Chỉ số chứng khoán có thể chưa bứt phá nhưng một số nhóm cổ phiếu vẫn có thể hút dòng tiền và ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.
Hiện tại, một số điểm tích cực là đầu tư công đang được đẩy mạnh, nhiều dự án lớn được khởi công. Bất động sản cũng hút dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp địa ốc tái khởi động dự án cũng như khởi động dự án mới. Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay các dự án bất động sản.