Bệnh nhân là N.M.H, 15 tuổi, ở Hà Nội, chuẩn bị quay lại trường học sau kỳ nghỉ hè. Sáng sớm, nam sinh sắp vào lớp 10 đột ngột thấy đau vùng bìu trái, đau nhói liên tục, rất khó chịu và không ăn uống được.
Ban đầu, cho rằng đây chỉ là cơn đau bình thường, bố mẹ bệnh nhân cho con uống 1 viên giảm đau, nhưng cơn đau không thuyên giảm. Đến 8h30, cơn đau bìu càng ngày tăng lên, bệnh nhân rất khó chịu, bố mẹ xin nghỉ làm, đưa con đến khám ở Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, sau gần 3 giờ từ khi có dấu hiệu.
Bác sĩ Đỗ Ích Định, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn với các đặc điểm triệu chứng khởi phát đột ngột, tinh hoàn treo cao, ấn có điểm đau chói.
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp tính do thừng tinh bị xoắn vặn nhiều vòng, làm mất nguồn máu vào nuôi dưỡng tinh hoàn, dẫn đến tinh hoàn thiếu máu và hoại tử. Vì thế, thầy thuốc lập tức khởi động quy trình dành cho trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, hi vọng có thể giữ được tinh hoàn cho người bệnh.
Khi bệnh nhân đang được siêu âm doppler với thẻ ưu tiên, thầy thuốc trên phòng mổ cũng lập tức chuẩn bị sẵn sàng, các phương án vô cảm cho người bệnh này.
40 phút từ khi vào viện, bệnh nhân đã lên bàn mổ. Bác sĩ phát hiện tinh hoàn trái tím đen, do thừng tinh xoắn 1,5 vòng ở gốc. Tiến hành tháo xoắn, ủ bằng huyết thanh ấm, phong bế thừng tinh, sau 20 phút, tinh hoàn hồng trở lại và được cố định trở lại vào khoang bìu.
Theo các bác sĩ, triệu chứng thường gặp nhất của xoắn tinh hoàn là bệnh nhân xuất hiện đau bìu đột ngột, đau dữ dội, liên tục tăng dần. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khởi điểm của cơn đau không xuất phát từ tinh hoàn mà từ vùng bụng nên thường gây tâm lý chủ quan cho cả người bệnh và thầy thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân có thể buồn nôn hoặc nôn, rối loạn tiểu tiện hoặc bìu sưng to, treo cao.
Bệnh thường có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi dậy thì (13-19 tuổi) thường hay gặp nhất.
Thời gian thiếu máu tinh hoàn càng lâu, tinh hoàn hoại tử càng nhiều. Nếu đến viện sớm, được chẩn đoán và can thiệp trước 6 giờ kể từ khi có triệu chứng đau cấp tính thì khả năng giữ được tinh hoàn là 95%, nhưng nếu đến muốn quá 24 giờ thì khả năng bảo tồn chỉ còn khoảng 10%.