Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề cập đến việc xử lý một số tập đoàn lớn vi phạm thời gian gần đây như: FLC, Tân Hoàng Minh.
Cần có phương án ổn định thị trường
“Chúng tôi nhận được những thông tin từ cử tri rất băn khoăn về việc này có ảnh hưởng đến những vấn đề liên quan đến nợ xấu và tổ chức tín dụng hay không?”, bà Thanh nói.
Vì vậy, bà đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 liên quan tăng tỉ lệ nợ xấu; ảnh hưởng đến bất ổn chính trị liên quan đến số lượng lớn khách hàng có thể chuyển nhóm nợ, rơi vào những nhóm khách hàng với một số lượng dư nợ lớn. Những việc này phải có phương án để sớm phục hồi, làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ, phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển trong thời gian tới.
"Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, cụ thể tại hai tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh”, bà Thanh đề nghị hết sức quan tâm đến chính sách tiền tệ và nợ xấu liên quan đến tín dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới đề nghị báo cáo nên đánh giá sâu và cụ thể hơn việc xuất hiện các loại tội phạm cho vay nặng lãi, tội phạm xã hội đen trước khi thực hiện Nghị quyết 42 và sau khi thực hiện Nghị quyết 42 và đặc biệt là xuất hiện những loại tội phạm mới sau khi thực hiện Nghị quyết 42.
“Tôi nói giả sử như bây giờ chúng ta có loại tội phạm như nãy chị Thanh nói là thao túng thị trường chứng khoán thì có liên quan tới Nghị quyết 42 như thế nào? Thu những tài sản bảo đảm thì xuất hiện các loại tội phạm mới như thế nào?”, ông Tới nói.
"Không phải việc gì cũng đổ cho con Covid"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ làm rõ số nợ xấu phát sinh sau ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực. Bởi thực tế có những khoảng nợ trước khi có nghị quyết là nợ chưa xấu, sau lại thành xấu, đang xấu vừa vừa thành xấu thật. Con số này có phải là 200.000 tỉ, cần phải nêu chính xác.
“Nợ trong các lĩnh vực như thế nào, nợ bất động sản thế nào, nợ chứng khoán thế nào, tín dụng tiêu dùng như thế nào? Bây giờ tín dụng bất động sản và chứng khoán núp bóng tín dụng tiêu dùng có không, bao nhiêu? Nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đánh giá tác động Covid thế nào, “không phải tất cả việc gì cũng đổ cho con Covid”.
Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý, nợ xấu liên quan đến cho vay BOT, dự án Quốc lộ 1. “Vấn đề này các bộ nói nhiều rồi, bây giờ mình phải nhìn thẳng vào xem là bao nhiêu. Vấn đề này hiện nay cũng rất nóng”
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại riêng phát hành năm 2021 đến hơn 700 ngàn tỷ, trong đó 44% về các lĩnh vực bất động sản. Các doanh nghiệp đến giai đoạn đến hạn thường phát hành để đảo nợ, ngân hàng thì siết lại, doanh nghiệp nào nợ xấu trên 30% thì không cho thành trái chủ nữa.
“Hôm trước tôi có ý kiến, Thủ tướng đã chỉ đạo, chắc chắn kỳ họp này sẽ nóng vấn đề đó. Trái phiếu doanh nghiệp cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo. Tình hình nóng trên thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tới đây rất nóng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên tắc thí điểm hết thời hạn thì thôi. Chính phủ phải tính chuyện định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu. Các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng. Chúng ta có Nghị quyết 42 có giá trị như một luật của các nước về xử lý tình huống khẩn cấp.
“Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng chỉ tồn tại lịch sử. Cho nên Thống đốc phải chú ý quan tâm bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ. VAMC không thể kéo dài mãi được đâu, lịch sử đến lúc nào đó là chấm dứt, các nước chỉ 3-5 năm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đừng đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện Luật Tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội đồng ý kéo dài nghị quyết này nhưng chỉ đến ngày 31/12/2023 chứ không kéo dài đến 8/2024 như đề xuất của Chính phủ. Như vậy khớp nghị quyết phục hồi phát triển kinh tế và khi đó mọi việc đã trở thành bình thường.
Giải trình thêm sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhiều lần tha thiết đề nghị được gia hạn hiệu lực của Nghị quyết 42 thêm 2 năm, tức là kéo dài đến tháng 8/2024. Bởi trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung cho Luật Phòng chống rửa tiền và năm sau là Luật về bảo hiểm tiền gửi…
Cuối phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ có mặt thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó, thời hạn kéo dài đến ngày 31/12/2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng.
Thu Hằng
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu mới từ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của Covid-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.Chủ tịch Quốc hội: 'Nóng ruột vô cùng' trước lãng phí đất đai, tài sản công
Nêu thực tế lãng phí từ đất đai, tài sản công, mua sắm công còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ “nóng ruột vô cùng” và yêu cầu giám sát có địa chỉ, tập trung vào vụ việc lớn cụ thể để cảnh tỉnh, răn đe.
Bộ trưởng Tư pháp: Các vụ vi phạm đấu giá đất vừa qua có thể xử tội đầu cơ
Bộ trưởng Tư pháp cho biết, những vụ việc vi phạm đấu giá đất vừa qua có thể áp dụng điều 218 về tội vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản và điều 196 về tội đầu cơ.