Bí quyết thành công
Rất ít người nghĩ rằng sản phẩm khung giường to cồng kềnh, khó vận chuyển, lại có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Thế nhưng đó lại là câu chuyện có thật của một doanh nghiệp ở Bình Dương.
Sản phẩm của doanh nghiệp chuyên sản xuất khung giường này đã bán ra thị trường quốc tế nhiều năm nay. Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, do giãn cách xã hội, đối tác nước ngoài không thể đến Việt Nam để xem hàng, doanh nghiệp không thể xuất khẩu hàng theo cách truyền thống, bèn tính cách mở kênh bán hàng mới trên sàn thương mại điện tử Amazon. Lúc đó, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành cứu cánh giúp nhiều doanh nghiệp thoát cảnh hàng tồn kho quá nhiều.
Dù đã có kha khá kinh nghiệm kinh doanh xuất khẩu theo phương thức truyền thống, song với kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, không dễ gì “làm một phát thắng ngay”.
Mất khoảng 1 năm loay hoay giữa “biển” thông tin trên mạng Internet, không biết nên làm theo hướng nào mới chuẩn, doanh nghiệp đã tìm tới chuyên gia tư vấn.
Với sự hỗ trợ tư vấn từ chuyên gia, doanh nghiệp đã nghiên cứu ra cách đóng gói khung giường thành hộp gọn gàng để dễ vận chuyển.
Thế nhưng, do hành trình vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ khá dài, vẫn có những sản phẩm bị hỏng, bị lỗi, ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu Việt. Một số sản phẩm chưa phù hợp với người tiêu dùng Mỹ (khung giường được thiết kế dành cho người Việt có cân nặng trung bình 60 – 70kg, trong khi nhiều người Mỹ nặng tới hơn 100kg.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, doanh nghiệp dần tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng: Có thêm lưu ý về trọng lượng đối với người sử dụng; Tặng thêm bộ dụng cụ để khách hàng tự tháo lắp sản phẩm tại nhà; Có thêm video hướng dẫn tháo lắp; Đóng hàng gọn gàng, chắc chắn hơn để giảm thiểu lỗi trong quá trình vận chuyển….
Bên cạnh sàn thương mại điện tử Amazon, doanh nghiệp còn mở thêm nhiều kênh hoạt động song song như tạo website riêng, tham gia một số kênh bán hàng khác, nhằm tận dụng một công để hàng lưu kho ở Mỹ.
Sau 3 năm kinh doanh trên Amazon, doanh nghiệp ở Bình Dương đã gặt hái thành quả: Doanh thu tăng từ 2 triệu đô la Mỹ năm 2020 lên 8 triệu đô la Mỹ năm 2021 và 15 triệu đô la Mỹ năm 2022 (chưa kể 5 triệu đô la Mỹ tới từ các kênh khác); Trở thành thương hiệu bán sản phẩm khung giường ưa thích trên Amazon, bắt đầu tạo vị thế thương hiệu tại thị trường Mỹ.
Câu chuyện trên vừa được ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đào tạo Tập đoàn Anneco, chia sẻ tại hội thảo đào tạo thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề “Cơ hội cho ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và dệt may Việt Nam” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ở Hà Nội.
Doanh nghiệp ở Bình Dương là case study mà Anneco hỗ trợ trong bối cảnh chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào xuất khẩu được mặt hàng cồng kềnh như khung giường qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, trong khi khách hàng Mỹ có nhu cầu khá cao với mặt hàng đồ nội thất.
Những lưu ý để tránh thất bại
Từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng vào Mỹ, ông Tuấn luôn đau đáu với việc làm sao có thể hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt sang xứ sở cờ hoa.
Doanh nghiệp ở Bình Dương nêu trên là một điển hình thành công. Song, xuất khẩu hàng Việt qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không hề dễ dàng.
Không ít rào cản doanh nghiệp phải đối mặt. Chẳng hạn, giấy tờ, thủ tục trong xuất nhập khẩu quốc tế. Khi xuất khẩu hàng sang Mỹ cũng như châu Âu, Nhật Bản…, những thị trường rất khó tính, họ sẽ yêu cầu mình phải đáp ứng nhiều loại giấy tờ. Không phải doanh nghiệp Việt nào cũng đều có sẵn các loại giấy tờ đó.
Hoặc rào cản về nguồn lực con người và tài chính. Nhiều doanh nghiệp không lo được nhân sự chuyên làm về xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử; chưa tìm được nguồn tiền để đầu tư cho kênh kinh doanh mới này.
Một số sai lầm dẫn tới thất bại được ông Tuấn chia sẻ từ bài học của bản thân: “Không nghiên cứu kỹ thị trường là một kinh nghiệm đau thương đối với tôi. Thấy một cái thuyền mô hình rất đẹp, tôi tự tin sản phẩm này có thể bán chạy trên sàn thương mại điện tử. Lại thấy có giá treo đồ gỗ cũng đẹp, tôi cho rằng kết hợp giá này với thuyền thì sẽ rất hay. Nhưng rồi thực tế, những người thích mua thuyền thì không thích mua đế và những người mua đế thì không muốn kèm thêm thuyền. Thế là tôi thất bại. Kinh nghiệm tôi tự rút ra là, sản phẩm mình yêu thích chưa chắc mọi người khác cũng thích; đừng bỏ qua bước nghiên cứu thị trường mà mình định bán hàng”.
Dù khó nhưng ông Tuấn vẫn khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên tiếp cận kênh thương mại điện tử để đưa sản phẩm Việt ra thế giới.
“Tôi cũng từng bán cả flycam trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Thấy khách hàng phản hồi, mình chăm sóc họ nhiệt tình, có thắc mắc gì mình đều hỗ trợ giải đáp. Đơn hàng tiếp theo không ngờ họ đặt tới 30 – 40 cái flycam. Ban đầu cứ nghĩ chỉ bán lẻ, không ngờ lại có đơn hàng bán buôn tới vài chục ngàn đô”, ông Tuấn dẫn chứng về những cơ hội đem lại doanh thu lớn bất ngờ.
Với vai trò cầu nối đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt ra toàn cầu, bà Phạm Ngọc Anh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam lưu ý tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo khảo sát của Amazon, 59% người mua chọn nhãn hiệu quen thuộc khi tìm mua sản phẩm mới; 80% người mua khám phá thương hiệu mới trên sàn thương mại điện tử; Mức độ tăng trưởng của nhà bán hàng có thương hiệu cao hơn 1,5 lần so với không có thương hiệu.
Bà Ngọc Anh khuyến nghị một số điều nên làm để xây dựng một thương hiệu quốc tế: Đăng ký nhãn hiệu ở quốc gia định bán hàng; Xin cấp bằng sáng chế về thiết kế và công nghệ; Đảm bảo chất lượng sản phẩm và chiến lược giá cả phù hợp với hình ảnh thương hiệu; Quảng cáo cả kênh trực tiếp và gián tiếp qua nhiều hình thức...
Trong số những điều không nên làm, việc cần tránh đầu tiên là sử dụng hàng tồn kho để thử nghiệm trong quá trình xây dựng thương hiệu ở nước ngoài. Tiếp đó là các sản phẩm hot trong nước không cần chỉnh sửa vẫn mang ra bán ở thị trường quốc tế; sử dụng các từ nhạy cảm làm tên thương hiệu…