Sau hơn 1 tháng chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy, nhiều người dân phản ánh bức xúc khi vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy rồi chuyển sang một loại giấy xác nhận khác khiến nhiều người cho rằng quá trình này rất bất tiện và tốn nhiều thời gian.
Liên quan đến nội dung trên, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an) cho biết, bức xúc của người dân là dễ hiểu khi Luật Cư trú năm 2020 có nội dung bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính.
Theo đại diện Cục C06, việc xác minh thông tin cư trú của công dân được thực hiện bởi 7 phương thức, việc xin giấy xác nhận cư trú là một trong 7 phương thức được thực hiện.
Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để chứng minh nơi cư trú mà vẫn buộc dân phải ra công an phường xin giấy xác nhận cư trú là “hành dân”.
Tại Hà Nội, đại diện Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 - Công an Hà Nội) cho biết, vẫn còn một số cán bộ, công nhân viên chức ở UBND chưa nhận thức đầy đủ 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo như hướng dẫn của Bộ Công an.
Tính đến 30/12/2022, Hà Nội đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 đặt ra. Việc này thuận tiện cho công dân trên địa bàn thành phố có thể sử dụng các dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia, thành phố và các bộ, ngành.
Phần lớn trường hợp người dân ở Hà Nội phải đến công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn. Lý do bởi nhiều người trong khoảng thời gian từ 18 đến 40 tuổi biến động chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết, trong khi dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư.
7 phương thức xác minh cư trú sau khi bỏ sổ hộ khẩu 1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. 2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp. 3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD. 4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính. 5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng). 6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). 7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). |