Tái chính xanh là xu thế của thế giới
Đến nay, tín dụng xanh và trái phiếu xanh trên toàn cầu đã trở thành 2 nguồn tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu tài chính xanh to lớn cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21.
Hiện nay, tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang được áp dụng rộng rãi và trở thành xu hướng phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế. Để thúc đẩy sự chuyển dịch theo hướng xanh, nhiều tổ chức khu vực, quốc gia đã xây dựng và ban hành các Danh mục phân loại xanh, điển hình nhất là Danh mục phân loại xanh đầy đủ, chi tiết các hoạt động và các tiêu chí phân loại do Ủy ban Châu Âu ban hành và áp dụng rộng rãi trong toàn khối vào năm 2020 và của Tổ chức Sáng kiến khí hậu Toàn cầu (CBI).
Một số nước đã ban hành hướng dẫn chung như Trung Quốc (lần 1 năm 2015, bản cập nhật tháng 4 năm 2021), Mông Cổ, Hàn quốc, Nhật bản, Nam phi, Nga, Bangladesh, Sri Lanka, Indonesia và Malaysia.
Cùng với đó, một số tổ chức tài chính quốc tế uy tín cũng ban hành các bộ tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn riêng như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hiên nay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một loạt nước như Ấn Độ, Kazakhstan, Phillippin, Singapore, Thailand, Colombia, Chile, Cộng hòa Dominican, Anh, New Zealand, Australia và Canada đang tích cực xây dựng và chuẩn bị ban hành Danh mục phân loại của mình.
Trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050....
Dưới góc độ pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đưa quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh (khoản 2 Điều 154 và các Điều 155, 156, 157).
Các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong các định hướng phát triển của các tổ chức tín dụng, trong các nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP), trái phiếu do Chính phủ (Nghị định số 95/2018/NĐ-CP) và chính quyền địa phương (Nghị định số 93/2018/NĐ-CP) phát hành.
Điều này đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để hình thành, phát triển và quản lý nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết về khí hậu.
Tiến thêm một bước
Trên thực tế, kể từ năm 2017 đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh phục vụ công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước theo hướng dẫn báo cáo thống kê tín dụng xanh số 9050/NHNN-TD ngày 3/11/2017, dư nợ tín dụng xanh năm 2017 là 180.121 tỷ đồng, năm 2018 là 240.079 tỷ đồng, năm 2019 là 284.536 tỷ đồng, năm 2020 là 333.087 tỷ đồng, năm 2021 là 451.500 tỷ đồng tăng 33% so 2021 và đến hết tháng 9 năm 2022 là 477,500 tỷ đồng tương đương 20 tỷ đô la, chiếm 4,24% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và 5,3% GDP của Việt Nam; có cơ cấu dự nợ tín dụng xanh cho năng lượng tái tạo chiếm 47,44% và cho nông nghiệp xanh chiếm 32,2%.
Hiện nay Việt Nam chưa có thống kê chính thức về trái phiếu xanh. Bên cạnh trái phiếu xanh của thành phố Hồ Chí Minh phát hành thí diểm và trái phiếu xanh của 2 doanh nghiệp, ngân hàng có quy mô trái phiếu rất nhỏ (dưới 3.000 tỷ đồng).
Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, năm 2020 các doanh nghiệp năng lượng đã phát hành 35.700 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo, tăng 274% so 2019, riêng cho điện mặt trời tăng 2,75 lần, điện gió tăng 3,5 lần và theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam trong năm 2021 là 27,319 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh chỉ còn 2,845 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các “danh mục dự án xanh” và hướng dẫn trên đều chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế của Việt Nam, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và chưa có các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể theo thông lệ quốc tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc thiếu một Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia làm hạn chế việc áp dụng đồng bộ ở ngành tài chính để huy động nguồn tài chính định hướng xanh.
Do đó, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về việc phê duyệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Theo cơ quan này, việc xây dựng Danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan để quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Điềy này cũng sẽ góp phần huy động, phân bổ và điều tiết hiệu quả, thiết thực các nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh tiềm năng trong nước và quốc tế để hỗ trợ, tài trợ cho các dự án đầu tư, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; góp phần thực hiện thành công mục tiêu cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26.
Thành Nam