Sáng ngày 5/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo”.
Hội thảo thuộc chuỗi sự kiện trước thềm Diễn đàn Đa phương (MSF) 2022 do Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn Samsung Việt Nam đồng tổ chức.
Mở đầu hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, công nghiệp hỗ trợ đã góp phần tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản… với các thị trường lớn và khó tính như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…
Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước hiện nay có nhiều khởi sắc trong những năm qua cả về số lượng và chất lượng, chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bên cạnh những bước tiến của ngành công nghiệp hỗ trợ, vẫn còn nhiều thách thức như về quy mô, kinh nghiệm, năng lực, thị phần, thương hiệu… Điều này đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên để công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn, thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của doanh nghiệp trong nước.
Đại diện Bộ Công Thương, Ông Phạm Thanh Tùng- Phòng Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng có phần trình bày khá đầy đủ về chủ đề “Hợp tác nâng cao năng lực doanh nghiệp trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Trong nội dung phát biểu của mình, ông Tùng nhấn mạnh các nội dung liên quan thực trạng, năng lực doanh nghiệp CNHT Việt Nam và điểm qua những hoạt động hợp tác nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT.
Theo ông Tùng, hiện nay, nước ta có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.
Trong đó có đến 88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có 300 lao động trở xuống).
Thế mạnh của các doanh nghiệp là đã có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.
Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, khó khăn hiện hữu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%. Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.
“Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu”- ông Phạm Thanh Tùng chỉ ra.
Bối cảnh, tình hình mới cũng đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp CNHT, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)
Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước CMCN 4.0 cho thấy, với thang điểm 5, hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.
Ông Tùng cho biết, để nâng cao năng lực, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng cấp cao về Hỗ trợ đối tác, Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam cũng cho biết, Samsung sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động hỗ trợ nhằm phát triển CNHT Việt Nam bằng việc nhân rộng kết quả dự án hợp tác hiện tại (tư vấn cải tiến, đào tạo chuyên gia tư vấn và khuôn mẫu), củng cố sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, năm 2022, Samsung hợp tác với Bộ Công Thương triển khai dự án Hỗ trợ nhà máy thông minh cho 50 doanh nghiệp Việt. Tính tới thời điểm này, dự án đang ở giai đoạn cuối với nhiều kết quả tích cực.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các doanh nghiệp, chuyên gia cũng có cơ hội chia sẻ về kết nối trong chuỗi cung ứng; giúp đỡ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ với hai nội dung thảo luận chính là: “Hỗ trợ năng lực và kết nối doanh nghiệp cung ứng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tại Việt Nam” và “Chuỗi giá trị bền vững và có trách nhiệm: Góc nhìn về đổi mới sáng tạo”.
Y Nhụy