XEM CLIP:

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại các cánh đồng dọc đường ven biển của TP Sầm Sơn, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xuất hiện tình trạng nhiều người dân đặt bẫy, quây lưới bắt các loại chim trời.

Ông K. ở xã Quảng Hải (huyện Quảng Xương) cho biết, ông làm nghề bẫy chim này đã nhiều năm. Người dân ở xã Quảng Hải, Quảng Thái khi vào mùa cũng làm nghề bẫy chim rất nhiều.

“Thông thường, mùa bẫy chim bắt đầu từ đầu tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bây giờ đang đầu mùa nên chim, cò chưa về nhiều. Thời gian này người dân chủ yếu tập trung vào công tác làm lều lán và đặt bẫy”, ông K. cho biết.

Theo ông K. bẫy có 2 loại. Loại dùng lưới là chủ yếu bắt các chim như: chim sẻ, sọc chùn, chim cuốc…. Còn bẫy kẹp dùng để bắt cò, vạc. Để bắt được cò, vạc người dân phải làm lều lán rất công phu, để cò không phát hiện ra. Suốt thời gian đặt bẫy, người dân chỉ ăn, ở trong lều này “mai phục”.

Cò mồi được đặt trắng xóa trên khắp cánh đồng.

Dụng cụ bẫy cò chỉ là những chiếc bẫy truyền thống được vót vằng tre, một bộ loa thu tiếng kêu của cò, vạc phát ra để dụ bầy. Ngoài ra, còn có những con cò mồi (cò thật) và cò mồi giả được làm bằng xốp đặt trên các cánh đồng.

“Mặc dù biết bẫy chim, cò là không đúng, tuy nhiên ở đây người dân đã làm cái nghề này qua bao nhiêu thế hệ, nên cứ đến mùa là chúng tôi lại ra đặt bẫy. Nhiều lần chính quyền địa phương, kiểm lâm đến bắt, nhưng về nhà chẳng có việc gì làm chúng tôi lại đưa bẫy ra đặt”, ông K. chia sẻ.

Hiện tại ở dọc cánh đồng của xã Quảng Hải, Quảng Thái (huyện Quảng Xương), Quảng Hùng, Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) có đến hàng chục lều lán bẫy chim, cò. Tuy nhiên, theo người dân thời điểm này cò chưa về, mỗi ngày nếu may mắn thì bẫy được một vài con. Thông thường, cò sẽ về nhiều vào thời điểm cuối tháng 9 trở đi.

Không chỉ ở huyện Quảng Xương, ngay ở trung tâm thành phố du lịch biển Sầm Sơn cũng có rất nhiều người làm nghề bẫy chim, cò.

Anh S. một người dân ở xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) cho biết, anh đang có khoảng 50 con cò mồi. Trên thửa ruộng anh đang đặt cả trăm chiếc bẫy để bẫy cò, vạc.

Một số hình ảnh người dân ở Thanh Hóa bẫy chim trời: 

Các con cò thật được dùng để làm cò mồi dụ đàn cò xuống bẫy.
Những con cò mồi được đặt cách nhau để tạo thành bầy đàn.
Ngoài cò còn có các lại chim khác
Những con cò trên nóc lều được gọi là "hoa tiêu".
Những con cò mồi được cột chân cẩn thận để tránh bị bay mất.
Chiếc loa phát ra tiếng kêu của cò, vạc nhằm dụ đàn về.
Một người dân đang lắp đặt bẫy cò.
Những con cò mồi bất lực trước sợi dây buộc dưới chân.
Những chiếc bẫy cò đã được đặt sẵn.
Không chỉ đặt bẫy, người dân còn dùng lưới giăng khắp cánh đồng để bắt các loại chim trời.