Trong vườn cây bỏ hoang của một lão nông miền Tây có khoảng 4.000 con cò nhạn quý hiếm, khoảng 2.000 con vạc và vô số loại chim, cò khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký quyết định “ban hành kế hoạch bảo vệ mở rộng vườn chim vạc của ông Lê Văn Chìa, tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn”.
Vườn chim bạc này nằm trên diện tích đất khoảng 1,8ha. Năm 2006, ông Chìa phát hiện đàn chim đến cư trú với khoảng vài chục cá thể chim vạc, cao điểm lên đến hơn 2.000 cá thể (năm 2018).
Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, mong muốn bảo vệ các loài chim, ông Chìa quyết định không làm xáo trộn khu đất này mà tạo thêm sinh cảnh tự nhiên cho chim cư trú.
Từ đó, các loài chim khác như cò trắng, cò ốc, cồng cộc cũng bắt đầu kéo về càng nhiều và hình thành quần thể chim cho đến nay.
Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận tại vườn chim này có 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ. Trong đó, có ít nhất 13 cá thể cò ốc, 6 cá thể quắm đen, khoảng 130 - 135 cá thể cò ruồi, 80 - 120 cá thể cò trắng, 190 - 260 cá thể cốc đen, 600 - 625 cá thể vạc.
UBND tỉnh sẽ mở rộng quy mô diện tích vườn chim vạc từ khoảng 1,8ha lên 4 - 5 ha nhằm duy trì và phát triển quần thể vạc cũng như một số loài chim nước khác.
UBND tỉnh cũng xây dựng tháp canh để thực hiện quan sát cũng như phục vụ hoạt động du lịch nông thôn; xây dựng hàng rào bảo vệ chắc chắn, kiên cố phục vụ bảo vệ lâu dài; xây dựng hệ thống camera giám sát, cảnh báo bảo vệ vườn chim vạc... Kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước, lồng ghép từ các chương trình, dự án; vốn xã hội hóa…
Ông Chìa chia sẻ, khoảng 1 năm qua, khu vườn quy tụ rất đông chim về sinh sống với số lượng khoảng 4.000 con. Trong đó, khoảng 2.000 chim vạc, 1.000 cò trắng, hàng trăm cò ốc... Ông rất mừng khi biết UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch mở rộng, bảo vệ vườn chim.