Thêm nhiều đường bay mới
Hãng hàng không non trẻ Vietravel Airlines ngày 16/12 vừa khai trương chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng từ Hà Nội đi Bangkok (Thái Lan).
Tổng giám đốc Vũ Đức Biên cho hay, Vietravel Airlines là hãng thứ 5 của Việt Nam bay đến Thái. "Chúng tôi vẫn tin tưởng vào thị trường này vì khách du lịch từ chi nhánh Hà Nội sang Bangkok có 12 chuyến bay mỗi tháng, mỗi chuyến đạt 70-80% tải. Như vậy chúng tôi đã có lớp khách lót về du lịch, còn lại là bán ra ngoài” - ông Biên nói.
Theo vị CEO này, khoảng tháng 1/2023, nếu được Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cấp phép, hãng sẽ mở đường bay TP.HCM - Bangkok, sau đó là Hàn Quốc (dự kiến tháng 4), Nhật Bản (cuối năm). Hãng cũng đang chuẩn bị các điều kiện để khi Trung Quốc mở cửa trở lại là có đường bay. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc xin cấp phép bay, bởi nhiều sân bay trên thế giới tắc nghẽn.
Ngoài việc khôi phục các đường bay cũ, các hãng bay trong nước cũng liên tục mở đường bay mới để nắm bắt cơ hội khi khách có nhu cầu đi lại tăng cao sau dịch. Một trong những thị trường được kỳ vọng sẽ thay thế Trung Quốc là Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Đại diện hãng Vietjet Air thông tin, sau Hà Nội và TP.HCM, từ 15/12, hành khách có thể dễ dàng bay thẳng từ Đà Nẵng đến Ahmedabad - “thành phố đền đài” của Ấn Độ, và ngược lại.
Vietjet Air đang khai thác nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ, với 11 đường bay thẳng kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc với 3 thành phố lớn nhất của quốc gia Nam Á này là New Delhi, Mumbai và Ahmedabad.
Với thị trường Trung Quốc, cũng có những tín hiệu lạc quan về việc mở lại đường bay, tiến tới dần khôi phục mạng bay giữa hai nước.
Vietnam Airlines từ 9/12 nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau gần 3 năm đóng băng vì đại dịch Covid-19. Giai đoạn đầu, hãng sẽ triển khai 3 đường bay: TP.HCM - Quảng Châu, Hà Nội - Thượng Hải, TP.HCM - Thượng Hải. Tới đây là đường bay thường lệ Hà Nội - Hongkong (Trung Quốc) từ 26/12.
Bamboo Airways cũng mở bay charter Hà Nội - Thiên Tân, tuần một chuyến. Hãng đang xem xét bay tới các điểm đến khác tại Trung Quốc, hiện vẫn trong quá trình xin cơ quan quản lý cấp slot.
Vietjet Air cũng nối lại một số chuyến bay với Trung Quốc từ tháng 10/2022 với hai đường bay kết nối TP.HCM với Hàng Châu/ Thành Đô. Từ 15/12, Vietjet tiếp tục mở đường bay TP.HCM - Thượng Hải, Thâm Quyến và Vũ Hán. Tiếp sau đó là kế hoạch mở lại hàng loạt đường bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô, Trùng Khánh... ngay khi Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại.
Kỳ vọng lượng khách hồi phục
Đến nay, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế của hãng lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch.
Theo đại diện của Bamboo Airways, kể từ 15/2 - thời điểm Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, hãng mở 14 đường bay quốc tế so với chỉ 3 đường bay từng khai thác trước dịch.
Từ Hà Nội và TP.HCM, các chuyến bay của Bamboo đã đáp xuống Narita (Nhật Bản), Frankfurt (Đức), Melbourne, Sydney (Úc), London (Anh), Singapore,... Tính riêng thị trường quốc tế, hãng đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng về hành khách đạt gần 4 lần so với 2019. Đây là hãng hàng không Việt Nam duy nhất đã khôi phục, khai thác toàn bộ 100% đội bay so với trước dịch.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng Phòng Vận tải Cục Hàng không Việt Nam, nhận xét, thị trường quốc tế - nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng bay nội địa - tốc độ hồi phục vẫn chậm. Thị trường quốc tế mới đạt 26% so với năm 2019, dù Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ 15/3 - sớm hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Theo ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành của Vietjet Air, hàng không quốc tế gặp khó khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, mất lượng khách Nga rất lớn; thị trường Trung Quốc đóng cửa; thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) mở cửa chậm (từ 1/10)...
Ngay cả với thị trường Trung Quốc, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, sau nhiều nỗ lực, tần suất bay trở lại mới là 16 chuyến bay/tuần mỗi bên - con số quá ít ỏi so với năm 2019, với 200 chuyến bay/tuần. Kỳ vọng từ đầu năm 2023, các đường bay sẽ được mở lại liên tục, với tần suất tăng nhanh.
Kinh tế suy thoái và lạm phát, tiêu dùng bị giảm dẫn đến nhu cầu du lịch quốc tế cũng bị giảm theo. Điều này cũng tác động không nhỏ đến việc phục hồi thị trường hàng không quốc tế.
Nhìn nhận cơ hội trong năm mới, ông Vũ Đức Biên - Tổng giám đốc Vietravel Airlines - đánh giá, năm 2023 sẽ tốt hơn khi dịch bệnh được kiểm soát, các nước mở cửa nhiều hơn; Trung Quốc giảm rào cản chống dịch, tiến tới mở cửa; đặc biệt là giá xăng dầu đang giảm.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, Vietravel Airlines chưa thể lên được kế hoạch cụ thể về lượng khách vì tình hình còn diễn biến thất thường, như muốn bay mà không có slot, hoặc dịch đã giảm cũng có thể tăng trở lại, chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng,... Trong bối cảnh đó, các hãng chỉ có thể định hướng kế hoạch.
CEO Vietjet Air kiến nghị, nhà chức trách cần hỗ trợ các hãng hàng không trong việc mở lại đường bay quốc tế, ưu tiên các đường bay mới. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, tỷ giá cũng neo cao và khó tiếp cận tài chính,... ông Đinh Việt Phương mong các chính sách hỗ trợ hàng không hiện tại tiếp tục được duy trì trong năm 2023.