Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, ngày 12/4, cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu một nạn nhân 2 tuổi liên quan đến ngộ độc rượu. Cụ thể, ngày 5/4, Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận bé S.S.B (2 tuổi, dân tộc Mông ở xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, Lào Cai) trong tình trạng hôn mê, có các cơn co giật dài toàn thân.
Theo ông nội của B., 2h sáng ngày 5/4, bé khát nước nên dậy uống nước. Thấy ca rượu để trên bàn (gia đình uống còn lại từ hôm trước), B. rót ra bát uống gần hết một bát (khoảng 200ml rượu).
Sau đó, B. đi ngủ. Sáng cùng ngày, người lớn gọi nhưng bé không tỉnh, có cơn kích thích vật vã, co giật toàn thân. Em được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi lúc 13h ngày 5/4.
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc rượu, xử trí cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, bù nước điện giải. Sau gần 3 ngày điều trị, trẻ đã hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Vũ Thị Hải Yến – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết: “Đây là ca bệnh ngộ độc rượu ở trẻ có độ tuổi nhỏ nhất tử trước đến nay tại bệnh viện”.
Theo các bác sĩ, nhiều người nghĩ rằng cho trẻ nếm thử một chút rượu, bia sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, bản thân cồn là chất kích thích thần kinh. Trẻ con uống một ngụm cũng bị kích thích khiến mặt đỏ gay, choáng váng. Một ngụm bia, rượu nhỏ có thể không gây tác hại ngay, nhưng khi sử dụng nhiều sẽ gây hại cho não, mắt, gan, thận của trẻ. Rượu, bia còn làm giảm sút trí tuệ, trí nhớ kém, mất tập trung đồng thời gây ảnh hưởng đến năng lực tư duy và khả năng học tập của trẻ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em cần dinh dưỡng đầy đủ để phát triển về thể chất và tinh thần, việc cho trẻ tiếp xúc với rượu, bia sớm là sai lầm nguy hiểm. Bản thân rượu bia là chất gây nghiện, khi cho trẻ uống quá sớm sẽ tập nhiễm cho trẻ thói quen xấu và dễ dẫn đến chứng nghiện về sau. Do đó các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ nhỏ uống thử bia, rượu cũng như thức uống có cồn khác.
Các bác sĩ khuyến cáo:
- Phụ huynh cần để rượu, bia, chất có cồn, hóa chất độc hại… xa tầm với trẻ em.
- Không khuyến khích, cổ vũ trẻ uống rượu, bia...
- Khi trẻ đã ăn hoặc uống phải các chất độc hại phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất đề cấp cứu, đồng thời mang theo đồ ăn, uống mà trẻ đã bị ngộ độc đến bệnh viện để xét nghiệm độc chất.
Ngọc Trang