Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, vi khuẩn Salmonella thường có trong bất cứ loại thịt động vật sống nào, phổ biến nhất là thịt gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng còn sống hoặc bị ô nhiễm.
Salmonella có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm. Lượng vi khuẩn càng nhiều, độc tố sinh ra càng lớn.
So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Biểu hiện nhiễm độc là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt..., khởi phát 1-3 ngày sau nhiễm. Vi khuẩn này có thể lẫn trong máu, tấn công hệ thần kinh trung ương, gây nhiễm độc toàn thân.
Triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh có thể tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi khuẩn này có thể tồn tại 2-3 tuần trong nước, 2-3 tháng trong phân hoặc nước đá.
Tuy nhiên, Salmonella dễ dàng bị phân huỷ bằng chất sát khuẩn hoặc bị đun nấu ở nhiệt độ 100 độ C. Ở nhiệt độ 50 độ C, vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt trong khoảng 1 tiếng.
Để phòng ngộ độc thực phẩm, PGS.BS Phạm Văn Quang- Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 - khuyến cáo người chế biến cần tuân thủ các quy tắc về an toàn thực phẩm, rửa tay hoặc dùng găng tay khi nấu nướng; tuyệt đối không dùng chung dao, thớt khi chế biến thực phẩm sống - chín.
Thức ăn chín cần bảo quản riêng biệt, có tủ kính và sử dụng sớm sau khi nấu xong. Ở môi trường thông thường, thực phẩm nấu chín chỉ nên để tối đa 4 tiếng.
Nếu có các dấu hiệu của ngộ độc, người dân cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất.