Hôm 1/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt, kể từ khi quan hệ Trung Quốc và Belarus được nâng lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 9/2022 ở Uzbekistan, sự kiện có Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự.
“Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đặt ra tầm nhìn mới cho sự phát triển quan hệ song phương… Những trao đổi hữu nghị lâu dài sẽ giữ cho tình bạn của chúng ta không thể bị phá vỡ”, truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói với ông Lukashenko trong cuộc gặp.
CNN đưa tin, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Belarus tới Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng trong những tuần gần đây. Mỹ cho rằng Trung Quốc đang cân nhắc gửi viện trợ vũ khí sát thương để hỗ trợ Nga tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho công bố tài liệu 12 điểm về “giải pháp chính trị", kêu gọi đàm phán hòa bình để kết thúc xung đột tại Ukraine.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Belarus, ông Tập cũng đã nhắc lại quan điểm trên.
“Bản thảo của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine đã được công bố. Chúng ta phải kiên định theo hướng giải quyết chính trị, từ bỏ mọi tâm lý Chiến tranh Lạnh, tôn trọng mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các nước, và xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững”, ông Tập cho hay.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm, “các quốc gia có liên quan nên dừng chính trị hóa và công cụ hóa nền kinh tế thế giới, làm những việc để giúp ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, và giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình”.
Theo thông báo của Trung Quốc, ông Lukashenko cho biết Belarus “hoàn toàn đồng ý và ủng hộ quan điểm, cũng như đề xuất của Trung Quốc về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Tuy nhiên, lập trường 12 điểm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà Trung Quốc công bố lại vấp phải sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo phương Tây, những người cáo buộc Bắc Kinh đứng về phía Nga.
Trước đây, cả Trung Quốc và Belarus cũng từng đưa ra tuyên bố ám chỉ Mỹ không muốn xung đột ở Ukraine chấm dứt.
Trước khi tới Moscow để gặp Tổng thống Putin hồi tháng Hai, Tổng thống Lukashenko khẳng định ông muốn thấy "các cuộc đàm phán hòa bình", và cáo buộc chính Mỹ đã ngăn cản Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiến hành đàm phán.
Cũng trong tháng Hai, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh không “đổ thêm dầu vào lửa”, và “phản đối việc thu lợi từ cuộc khủng hoảng Ukraine”. Tuyên bố của ông Vương được cho ám chỉ Mỹ đang cố tình kéo dài xung đột để thúc đẩy lợi ích địa chính trị, và tăng doanh thu cho các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ.