Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, Việt Nam có trên 172.000 người mắc bệnh lao, 10.400 người tử vong.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh mô tả lao là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lây lan qua không khí khi một người hít phải vi khuẩn do người bệnh ho, hắt hơi phát tán ra. Lao thường ảnh hưởng đến phổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, đặc biệt là dạ dày, xương và hệ thần kinh.
Các triệu chứng chính
Nếu đã hoặc đang gặp phải những triệu chứng dưới đây, bạn cần đi khám. Mặc dù bệnh lao có thể điều trị được, nhưng nếu không chữa sớm, sẽ gây ra những hậu quả lâu dài cho sức khỏe.
Theo Mirror, khi bác sĩ nghi ngờ đó là nhiễm trùng lao, họ sẽ kiểm tra đường thở, các hạch bạch huyết, xét nghiệm da hoặc máu.
Các triệu chứng chính của bệnh lao bao gồm: Ho dai dẳng và đôi khi có đờm kéo dài hơn 3 tuần, có thể có máu, giảm cân, đổ mồ hôi đêm, sốt cao, mệt mỏi, ăn mất ngon, sưng cổ.
Trong một số trường hợp, người bệnh bị đau xương do vi khuẩn lao đã lan đến và làm nhiễm trùng xương.
Các phương pháp điều trị
Bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân mắc dạng lao nào trước khi điều trị: lao tiềm ẩn, bệnh lao và lao kháng thuốc.
Lao tiềm ẩn là khi bạn nhiễm bệnh nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào. Liệu pháp phổ biến nhất đối với dạng lao này là dùng một liều thuốc kháng sinh hằng ngày trong nửa năm. Người mắc lao tiềm ẩn thường không lây bệnh cho người khác.
Bệnh lao là dạng có triệu chứng truyền nhiễm khi vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Ngoài một đợt kháng sinh kéo dài 6 tháng, bệnh nhân còn được kê đơn điều trị thuốc dùng trong một tháng. Lúc này, người bệnh có khả năng lây lan vi khuẩn trong không khí, khiến người hít phải bị nhiễm lao.
Lao kháng thuốc kháng nhiều hơn một loại thuốc, được gọi là lao đa kháng thuốc, rất nguy hiểm. Việc điều trị loại lao này mất nhiều thời gian hơn, từ 20 đến 30 tháng và bệnh nhân có thể gặp nhiều tác dụng phụ.