Sáng 1/7, chương trình Chống Lao Quốc gia cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức sự kiện “Triển khai cấp thuốc lao nguồn bảo hiểm y tế (BHYT)”. Sự kiện được tổ chức nhằm đánh dấu mốc lần đầu tiên thuốc chống lao nguồn BHYT được cấp cho bệnh nhân trên toàn quốc.
Các chuyên gia thông tin, Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam.
Tuy là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm nhưng lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ chính xác phác đồ điều trị.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng BĐH Chương trình Chống Lao Quốc gia, cho biết, trước đây, thuốc chống lao hàng 1 được mua bằng nguồn ngân sách nhà nước để cung cấp điều trị miễn phí cho người bệnh lao. Giai đoạn 2021-2025, không còn nguồn ngân sách trên, ngân sách phân bổ cho các hoạt động phòng chống lao sẽ từ nguồn ngân sách hoạt động thường quy của Bộ Y tế.
Với nguồn viện trợ Quỹ toàn cầu chu kỳ 2021-2023, thuốc chống lao hàng 2 hiện được mua sử dụng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế không hoàn lại đến 2023. Quỹ toàn cầu cũng yêu cầu sự đóng góp từ Chính phủ Việt Nam chọn nhu cầu điều trị thuốc chống lao hàng 2 cho 100 bệnh nhân lao đa kháng trong năm 2012 và 2020. Chính vì vậy cần đảm bảo nguồn kinh phí bền vững trong nước để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2, nhằm duy trì quyền lợi tiếp cận thuốc cho người bệnh.
Cũng theo PGS.TS Nhung, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm đến vấn đề chống lao nhưng ngân sách hạn hẹp vì vậy kinh phí thuốc cho chống lao gặp nhiều khó khăn.
“Việc xin tài trợ không thể bền vững”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói và dẫn chứng từ ví dụ năm 2021, khi nước ta bị đứt quãng 2 tuần thuốc chống lao. PGS.TS Nhung đã ngỏ lời với một công ty dược nhưng công ty này không thể hỗ trợ vì đang dồn sức cho chống Covid-19 và phải kêu gọi nguồn hỗ trợ khác để đảm bảo nguồn cung thuốc không bị đứt gãy.
“Bệnh lao có từ lâu, làm chết hàng chục ngàn người mỗi năm - con số này cao hơn tử vong do tai nạn giao thông. Chúng ta có đủ kỹ thuật để phát hiện sớm, đủ các phác đồ điều trị của thế giới nhưng phải đảm bảo thuốc mới có thể chữa cho người dân, tiến tới chấm dứt lao vào năm 2030”, PGS.TS Nhung nói.
PGS.TS Nhung cũng thông tin, năm 2015, nước ta có 17.000 người chết vì lao. Năm năm sau, 2020, số đó giảm xuống. Đó là nhờ nỗ lực rất lớn khi Chính phủ đưa chống lao vào chương trình Chống Lao Quốc gia.
Mục tiêu chấm dứt bệnh lao có cơ sở khoa học, khả thi nếu chúng ta nỗ lực, đặc biệt là đảm bảo thuốc. PGS.TS Nhung cho biết, sự kiện “Triển khai cấp thuốc lao nguồn BHYT” rất quan trọng khi đánh dấu hành trình bảo đảm tài chính bền vững cho chương trình chống lao.
Như vậy, từ ngày hôm nay, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc bắt đầu cấp thuốc lao cho bệnh nhân qua BHYT. Trong thời gian tới, Chương trình chống Lao Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở điều trị lao để đảm bảo tổ chức khám chữa bệnh lao đáp ứng các điều iện khám chữa bệnh BHYT, quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc chống lao qua BHYT.