Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K), nhận định, độ tuổi ung thư ngày càng trẻ hóa. Trước đây, bệnh nhân mắc ung thư thường ở độ tuổi trung niên (sau 40 tuổi). Hiện độ tuổi của người mắc ung thư đã hạ dần, không ít trường hợp 20, 30 tuổi đã có kết quả chẩn đoán ung thư.
Nam bác sĩ dẫn chứng về 2 ca mắc ung thư vú ở độ tuổi thanh niên - căn bệnh trước kia chỉ gặp ở nhóm đối tượng từ trung niên trở đi. Một nữ bệnh nhân 27 tuổi và người còn lại ngoài tuổi 30. Bệnh nhân sờ thấy khối u trên tuyến vú và đến bệnh viện thăm khám.
Ngoài ra, bác sĩ Nam cũng dẫn chứng thêm trường hợp bệnh nhân nam mới 34 tuổi rất sốc khi được bác sĩ thông báo mắc căn bệnh ung thư gan.
Người đàn ông này được bác sĩ tư vấn nhập viện để sinh thiết và điều trị do u to khoảng 6-8 cm và vài u nhỏ hơn. Có mặt tại phòng khám cùng anh là người vợ, cả 2 vợ chồng đều rất bàng hoàng. Bệnh nhân chia sẻ, bố đã mất vì ung thư, anh lại vừa có con nhỏ nên kết quả khiến anh rất bất ngờ, đặc biệt khi tuổi đời còn trẻ.
"Trước đây, khi nói tới ung thư người ta thường nói tới độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, các loại bệnh ung thư nói chung đều đang trẻ hoá. Ung thư ở tuổi trẻ thường phát triển nhanh", bác sĩ Nam cho biết.
Lý giải về tình trạng độ tuổi ung thư ngày càng trẻ hóa, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho rằng, trình độ y khoa phát triển, bên cạnh đó mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên. Do đó, có rất nhiều trường hợp ung thư được phát hiện khi còn rất trẻ tuổi.
Ngoài ra, hiện nay người trẻ cũng tiếp xúc sớm với các tác nhân gây ung thư. Bác sĩ phân tích, có 3 tác nhân gây ung thư chính bao gồm tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời…); tác nhân hóa học (phẩm nhuộm…); tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B…) có trong bia rượu, đồ ăn uống.
Hiện nay, người trẻ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố này sớm hơn. Ví dụ, các bạn trẻ uống rượu bia sớm, hút thuốc lá, ăn những đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, đồ rán…). Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào bất thường (ung thư) phát triển sớm hơn so với tuổi.
Một nguyên nhân khác được bác sĩ Nam đề cập tới khiến cho ung thư tới gần hơn với người trẻ là lối sống ít vận động.
Bác sĩ Nam nhận định: "Nhiều người làm việc ở văn phòng ngồi nhiều, ít vận động. Buổi tối, họ cũng dành thời gian thức khuya xem điện thoại ti vi... Việc đi ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, thay đổi nội môi trong cơ thể (nội tiết). Điều này khiến cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng, hoàn chỉnh dẫn tới biến đổi ADN, từ đó sinh ra ung thư".
Để căn bệnh ung thư không "đến thăm" sớm, bác sĩ chuyên khoa về ung thư này khuyên mọi người cần giảm thiểu tất cả các yếu tố nguy cơ. Các bạn trẻ trong gia đình có người mắc ung thư, cần phải cẩn trọng tầm soát, bởi đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người khác.
Ví dụ, gia đình có bố và anh trai của bố mắc ung thư đại tràng, dạ dày bạn nên đi kiểm tra, tầm soát ung thư này. Hay gia đình có mẹ, dì hoặc bác gái mắc ung thư vú, bạn cần phải tầm soát ung thư vú… Thời gian tầm soát 1 năm/lần. Người dân nên để ý mốc thời điểm tầm soát ung thư là sau tuổi 30. Ở nhóm người trẻ có yếu tố gia đình có người mắc ung thư cùng lối sống ít vận động sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư.
Theo bác sĩ Nam, phòng ngừa ung thư không khó và đã được các chuyên gia nói rất nhiều. Điều đầu tiên là các bạn trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng.
Theo thông tin từ Bệnh viện K, ước tính có khoảng 50% các loại ung thư có thể phòng ngừa được. Trong đó có phòng bệnh bước 1 là phòng ngừa ban đầu nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để phòng không cho xảy ra sự khởi phát bệnh ung thư. Hút thuốc lá: Nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong đó 90% ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản, 5% ung thư bàng quang và nhiều loại ung thư khác. Nguy cơ gây ung thư tăng theo thời gian hút thuốc, hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ. Dinh dưỡng không phù hợp: Yếu tố dinh dưỡng được xếp là nguyên nhân quan trọng thứ hai gây bệnh ung thư. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị, ăn các loại thức ăn bị mốc (trong đó sản sinh chất aflatoxin gây ung thư) và tránh uống nước hoặc ăn thức ăn quá nóng. Rượu: gây ung thư gan, khoang miệng, thực quản và phần trên thanh quản. Cần tăng cường ăn nhiều hoa quả, rau và các loại vitamin. Các chất vitamin nhất là β Carôten trong các rau quả màu đỏ (cà rốt, cà chua...) có tính chất chống ung thư. Yếu tố môi trường: Một số yếu tố môi trường có liên quan tới ung thư như phóng xạ (bức xạ tia cực tím từ mặt trời liên quan tới ung thư da và bức xạ ion hoá trong chụp X Quang, cắt lớp vi tính có liên quan tới nhiều loại ung thư như ung thư tuyến giáp bệnh bạch cầu), không khí ô nhiễm (tăng nguy cơ ung thư phổi), nước có nhiễm arsen (liên quan tới ung thư bàng quang). Béo phì: Người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tuỵ, ung thư vú sau mãn kinh…. Lối sống: Lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong do ung thư. Do vậy, luyện tập thường xuyên thể dục thể thao ở mức độ phù hợp sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Nhiễm trùng: Ước tính có khoảng 17% ca mới mắc ung thư trên toàn thế giới có liên quan tới nhiễm trùng. Một số virus được biết là nguyên nhân gây ung thư ở người, virus viêm gan B, virus Epstein - Barr, virus bướu gai (HPV) và virus gây bệnh bạch cầu dòng lympho T ở người (HTLV). Vì vậy để phòng nhiễm virus viêm gan bằng cách tiêm chủng vắc xin, ung thư cổ tử bằng cách tiêm vắc xin phòng một số typ HPV đặc biệt là typ 16, 18, 31 và 45. Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình cũng xem là yếu tố nguy cơ của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư võng mạc mắt, bệnh khô da nhiễm sắc tố. Ở một số nước có phòng khám gen để tìm gen gây ung thư. Phòng bệnh bằng một số biện pháp như bệnh xơ da nhiễm sắc không nên ra ánh nắng hoặc cắt polyp, cắt đại tràng trong bệnh đa polyp gia đình. |
Ngọc Trang