Bệnh viện Mắt TP.HCM tiền thân là Bệnh xá Saint-Paul. Đây là công trình xây theo kiến trúc Pháp, khánh thành vào ngày 19/12/1938.
Công trình có hình chữ U với 2 tháp cầu thang hình trụ đồ sộ ở mặt tiền. Thiết kế này đại diện cho phong cách kiến trúc Art Deco thịnh hành ở châu Âu những năm 1910-1920 và ở Việt Nam trong khoảng thời gian 1920-1930.
Bệnh viện rộng 15.020m2 với 4 mặt tiền ở các đường Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Điện Biên Phủ và Nguyễn Thông (quận 3).
Đầu hai cánh uốn vòng là nơi đặt giường bệnh với hàng cửa chớp giảm ánh nắng để phòng thông thoáng.
Từ khi ra đời đến nay, bệnh viện trải qua 4 lần đổi tên. Từ dưỡng đường có tên ban đầu là Clinique Saint-Paul, sau đó lần lượt đổi thành Bệnh viện Điện Biên Phủ, Trung tâm Mắt TP.HCM và nay là Bệnh viện Mắt TP.HCM (từ năm 2002).
Bệnh viện có 4 tầng, nổi bật ở là những ô cửa làm bằng gỗ sơn màu xanh kiểu Pháp thường thấy những năm 1950. Toàn bộ cánh cửa vẫn được vẫn giữ nguyên kết cấu, kiểu dáng ban đầu và được sơn mới lại theo thời gian.
Trên các tầng lầu, phòng khám thoáng đãng, hành lang rộng rãi với các hàng ghế chờ được thiết kế theo nét riêng vừa hài hòa vừa giúp lấy ánh sáng qua các khung cửa.
Phòng họp của Bệnh viện Mắt ngày nay vẫn còn giữ kiến trúc của nhà nguyện xưa. Mặt bằng phòng họp được bố trí theo hình thánh giá, có đường lớn đi vào 2 bên.
Tính từ thời điểm khánh thành năm 1938 đến nay, bệnh viện đã được 85 năm. Đây là một trong số ít bệnh viện lâu đời ở TP.HCM có thang máy.
Trong khuôn viên của bệnh viện có một dãy nhà ở cho các sơ dòng thánh Phaolô. Các sơ cũng thi tuyển làm công việc điều dưỡng trong bệnh viện.
Một số hạng mục của tòa nhà xuống cấp phải sửa chữa trùng tu. Theo lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM, nhìn tổng thể tòa nhà vẫn giữ được sự vững chãi và nét cổ xưa. Tuy vậy, bên trong một số khoa phòng đã bắt đầu thấm nước mỗi khi mưa lớn.
Bệnh viện Mắt TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa hạng I, là cơ sở nhãn khoa đầu ngành của TP.HCM và khu vực phía Nam. Mỗi ngày, bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân. Trong đó, số ca được phẫu thuật trung bình từ 700-750 người.
Mới đây, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM gửi UBND TP.HCM xem xét đề xuất xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, bày tỏ niềm vinh dự khi được làm việc trong tòa nhà có kiến trúc lâu đời này. Ông cũng rất đồng tình việc các ban ngành có ý tưởng bảo tồn để công trình sống mãi với thời gian.
Cổng chính của Bệnh viện Mắt TP.HCM nằm ở địa chỉ 280 Điện Biên Phủ (quận 3).