Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga leo thang sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, thêm nhiều tàu đã gia nhập đội vận tải bí ẩn hiện có, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của xứ sở bạch dương.

Tàu Vinjerac chở dầu mỏ Nga đến Mỹ hồi tháng 3/2022. Ảnh: freightwaves.com

Những người trong ngành ước tính quy mô của đội "tàu bóng tối” đó gần 600 chiếc, tương đương khoảng 10% tổng số tàu chở dầu cỡ lớn trên toàn cầu. Và con số tiếp tục gia tăng.

Theo CNN, ai sở hữu và vận hành số tàu này vẫn là một câu hỏi hóc búa. Khi việc mua bán dầu mỏ Nga trở nên phức tạp hơn trong năm qua, nhiều chủ hàng phương Tây đã rút dịch vụ của họ. Tuy nhiên, những nhà cung cấp dịch vụ mới, ít được biết đến bắt đầu nhập cuộc, với sự tham gia của các công ty vỏ bọc ở Dubai trong một số trường hợp. Một số mua tàu thuyền từ châu Âu, trong khi số khác khai thác những con tàu cũ kỹ, ọp ẹp, đáng lẽ đã bị đưa đến bãi phế liệu.

Đội tàu nói trên càng trở nên quan trọng khi Moscow cố gắng tránh giao dịch với các chủ hàng phương Tây, trong bối cảnh các khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ đang thay thế các khách hàng ở châu Âu, vốn bị cấm mua dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển hoặc các sản phẩm tinh chế của Nga như dầu diesel.

Việc giao hàng cho những khách mua ở xa hơn đòi hỏi phải có thêm tàu và các chủ tàu rõ ràng sẵn sàng đối phó với sự phức tạp cũng như rủi ro pháp lý gia tăng, đặc biệt sau khi nhóm G7 áp giá trần đối với nhiên liệu Nga.

Việc mở rộng đội "tàu bóng tối” làm nổi bật những thay đổi đáng kể do cuộc xung đột Nga – Ukraine gây ra cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong nỗ lực duy trì hoạt động, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới đã định hình lại mô hình giao dịch hàng chục năm tuổi và chia hệ thống năng lượng của thế giới thành 2 phần.

“Có đội tàu đang không tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của Nga và một đội tàu khác hầu như chỉ phục vụ các giao dịch của Nga. Chỉ có rất ít đảm đương cả hai”, Richard Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của hãng môi giới tàu biển quốc tế EA Gibson nói.

Matthew Wright, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại công ty tư vấn thị trường Kpler, lại phân loại các tàu vận chuyển dầu thô của Nga thành 2 loại là “tàu xám” và “tàu bóng tối”.

Trong đó, tàu xám để chỉ các phương tiện được bán kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát, chủ yếu từ các chủ sở hữu ở châu Âu cho các công ty ở Trung Đông và châu Á trước đây không hoạt động trong thị trường vận tải dầu. Tàu bóng tối là những tàu kỳ cựu, được sử dụng nhằm tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và gần đây đã chuyển sang chở dầu thô Nga.

Theo ông Wright, hiện có bằng chứng ám chỉ các “tàu bóng tối” đã ngụy trang hoạt động bằng cách tắt bộ phát đáp AIS, thiết bị giúp nhận diện và định vị các con tàu.

Nếu số tàu đang được sử dụng chuyên chở các sản phẩm dầu mỏ và dầu thô của Nga chiếm tỉ lệ lớn hơn trong tổng số phương tiện vận tải toàn cầu, điều đó sẽ ăn mòn công suất, làm tăng chi phí cho tất cả các nhà kinh doanh dầu mỏ và rốt cuộc đẩy giá thành nhiên liệu đến tay người tiêu dùng.

Hơn thế nữa, các chuyên gia cảnh báo, đội “tàu bóng tối” có thể đang giúp Nga tăng khả năng né tránh các đòn trừng phạt của phương Tây hoặc bán dầu mỏ trên giá trần. Chúng cũng làm cho việc phân biệt chính xác các sản phẩm của Nga đang được bán với giá bao nhiêu trở nên khó khăn hơn.

Các nhà phân tích đã tìm thấy bằng chứng trong dữ liệu hải quan hé lộ, dầu Urals tiêu chuẩn của Nga đang được bán tại các cảng trọng yếu với giá cao hơn nhiều mức giá chính thức.

Hiện cũng có lo ngại về vấn đề an toàn. Đội tàu bóng tối được cho bao gồm nhiều tàu trên 15 năm tuổi, độ tuổi mà các công ty dầu mỏ chính thống thường cho chúng nghỉ hưu vì hao mòn. Giờ đây, ngày càng nhiều những chiếc tàu như vậy đang thực hiện các chuyến đi khắp thế giới.

“Tất cả những tàu cũ này có thể không được bảo dưỡng theo tiêu chuẩn mà chúng nên có. Khả năng xảy ra sự cố tràn dầu hoặc tai nạn nghiêm trọng đang tăng lên từng ngày khi đội tàu này phát triển”, ông Matthews khuyến cáo.

Cơn ác mộng năng lượng tồi tệ nhất của châu Âu

Cơn ác mộng năng lượng tồi tệ nhất của châu Âu

Khi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của châu Âu, châu lục đang phải vật lộn đối phó với một trong các cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất lịch sử và tình trạng vẫn có thể tồi tệ hơn.