Các nguồn tin trong ngành cho biết, các hãng bảo hiểm từ châu Âu và Mỹ, những quốc gia thống trị thị trường hàng hải quốc tế, đang cắt giảm phạm vi bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga để tránh vi phạm những lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Moscow mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine. Ngay cả những tàu không phải của Nga hiện cũng có nguy cơ bị các hãng bảo hiểm phương Tây bỏ rơi, nếu chúng chở dầu thô của xứ sở bạch dương.
Theo Reuters, động thái của các hãng bảo hiểm phương Tây có thể làm suy yếu thành công gần đây của Moscow trong việc định tuyến lại nguồn cung dầu thô từ châu Âu và Mỹ đến châu Á, đẩy nhanh sự suy giảm hoạt động kinh doanh của Nga ở châu Âu và tạo ra lỗ hổng lớn hơn trên thị trường năng lượng khi những biện pháp hạn chế được thực thi đối với nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới.
Bốn nguồn tin trong ngành vận tải và nhiên liệu nói, tác động tiêu cực dự kiến sẽ trở nên rõ ràng vào tháng 6 và tháng 7. “Hiện có áp lực liên tục đối với các hãng bảo hiểm hàng hải quốc tế nhằm buộc họ không bảo hiểm cho các công ty vận tải trên toàn thế giới vận chuyển dầu của Nga. Không thể loại trừ tình trạng bất ổn hoặc gián đoạn ngắn hạn đối với bảo hiểm hàng hải", Maria Bertzeletou, chuyên gia phân tích thuộc công ty Hy Lạp Signal Maritime Services, một trong những doanh nghiệp quản lý tàu chở nhiên liệu hàng đầu thế giới, cho hay.
Theo quy định, các tàu thương mại đều phải mua bảo hiểm bảo vệ và bồi thường (P&I), nhằm bảo vệ chủ tàu và bên khai thác tàu trước các trách nhiệm dân sự có thể phát sinh đối với bên thứ 3 trong quá trình vận hành, kinh doanh, kể cả thiệt hại vì môi trường và các thương tích. Các chính sách riêng về bảo hiểm thân tàu và máy móc sẽ giúp chi trả những thiệt hại vật chất gắn với phương tiện.
Dù các hãng bảo hiểm có trụ sở tại những quốc gia là khách hàng lớn mua dầu từ Nga có thể tham gia cung cấp dịch vụ nhưng khả năng họ chấp nhận các rủi ro tiềm ẩn khi nhận chính sách bảo hiểm riêng từ các nhà tái bảo hiểm cũng có vẻ bị ảnh hưởng. Tương tự thị trường bảo hiểm hàng hải, thị trường tái bảo hiểm toàn cầu cũng nằm dưới sự thống trị của các công ty Mỹ và châu Âu, do đó họ cần phải chú ý đến một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào các lợi ích vận tải biển và các ngân hàng của Nga.
Bảo lãnh của chính phủ
Nếu không có dịch vụ tái bảo hiểm, một công ty cung cấp chính sách bảo hiểm cho tàu chở dầu nhiều khả năng sẽ cần sự bảo lãnh của chính phủ để trang trải các khoản nợ tiềm tàng, có thể lên tới hàng tỷ USD.
“Ở Nga có thể tồn tại những hãng bảo hiểm có khả năng đưa ra những chương trình tái bảo hiểm và trách nhiệm của bên thứ ba, vốn về sau có thể nhận được sự hỗ trợ của một quỹ đầu tư quốc gia từ Trung Quốc hoặc Nga hoặc kết hợp cả hai. Điều đó về mặt kỹ thuật là khả thi. Nó phụ thuộc vào ý chí chính trị và thị trường mà Nga sẽ tập trung hàng hóa của họ vào đó”, Mike Salthouse, trưởng bộ phận khiếu nại tại North, thành viên của International Group, hiệp hội các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ P&I cho khoảng 90% tàu viễn dương, nhận định.
Hiện tại, các khách hàng ở Ấn Độ và Trung Quốc đang thu mua các mặt hàng dầu mỏ của Nga bị phương Tây tẩy chay, với mức chiết khấu cao. Xuất khẩu dầu mỏ của Nga hồi tháng 4 đã trở lại mức trung bình trước chiến tranh, theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Trong bối cảnh thiếu vắng các hãng bảo hiểm phương Tây, Nga đang chuyển sang sử dụng các công ty bảo hiểm địa phương, bao gồm cả nhà cung cấp lớn thứ 4 nước này Ingosstrakh.
Reuters không thể xác minh liệu Chính phủ Nga hay quốc gia nào khác đã đưa ra hoặc lên kế hoạch trao cho hãng bảo hiểm tư nhân Ingosstrakh bất kỳ đảm bảo tài chính nào hay không. Các bộ kinh tế và giao thông của Nga cũng như Ingosstrakh không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin.
Ấn Độ, một đồng minh lâu năm của Moscow, đã bắt đầu tăng nhập khẩu dầu thô từ Nga. Theo IEA, tỷ trọng xuất khẩu loại nhiên liệu này của Nga đã tăng lên 10% từ mức 0 kể từ đầu năm nay. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ tiết lộ, New Delhi không coi bảo hiểm là rào cản đối với việc mua hàng trong tương lai vì Ingosstrakh có trách nhiệm đối với bất kỳ rủi ro nào xảy ra trên biển.
"Ấn Độ công nhận các dịch vụ bảo hiểm kể cả P&I của Ingosstrakh nên sẽ không có vấn đề gì, miễn là các tàu đáp ứng các quy tắc cập cảng. Vì chúng tôi không công nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ nên chúng tôi sẽ chấp nhận các tàu của Nga. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ chỉ phát sinh sau khi bốc dỡ hàng khỏi tàu", quan chức giấu tên giải thích.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng đang tăng cường thu mua dầu Nga với giá hời. Tuy nhiên, các hãng bảo hiểm Trung Quốc đang tìm cách tiếp nhận dịch vụ do các đối tác phương Tây đảm nhận trước đây, nhiều khả năng sẽ cần có sự bảo lãnh của chính phủ, theo 3 nguồn tin trong ngành.
“Sẽ không phải là một quyết định khả thi về mặt thương mại đối với bất kỳ hãng bảo hiểm Trung Quốc nào khi tiếp quản bảo hiểm từ các công ty châu Âu. Các doanh nghiệp Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm hoặc kiến thức về lĩnh vực này”, Leonard Li, đối tác của công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman nhận xét.
Các quan chức chính phủ Trung Quốc không hồi đáp yêu cầu bình luận về vấn đề trên.
Vấn đề rắc rối
Trươc đây đã có tiền lệ cho các chính phủ can thiệp để đảm lãnh các rủi ro hàng hải liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa bị cấm vận. Vào năm 2012, Nhật đã sử dụng việc bảo lãnh của chính phủ về trách nhiệm pháp lý để giúp vận chuyển các lô hàng dầu mỏ Iran sau khi các hãng bảo hiểm phương Tây cắt giảm dịch vụ vì các lệnh trừng phạt, trước khi các cường quốc đạt thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Tehran.
Một quan chức Nhật giấu tên nói, luật được thông qua vào năm 2012 chỉ dành cho việc nhập khẩu dầu của Iran và các quy tắc mới sẽ cần được phê duyệt đối với bất kỳ sự đảm bảo nào liên quan đến Nga. Theo quan chức này và một nguồn tin khác, họ không biết đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về các kế hoạch dự phòng như vậy.
Các công ty bảo hiểm Nhật vẫn đang cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga miễn là họ không liên kết với các doanh nghiệp nằm trong danh sách trừng phạt, theo một nguồn thạo tin trong ngành. Nguồn này nói thêm, nếu các công ty tái bảo hiểm của Anh và những nước phương Tây khác ngừng cung cấp dịch vụ, các hãng bảo hiểm ở đất nước mặt trời mọc nhiều khả năng cũng sẽ làm như vậy.
Một loạt biện pháp trừng phạt phức tạp của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã cấm các tàu thuộc sở hữu của Nga hoặc mang cờ Nga cập cảng hoặc tham gia các hợp đồng thương mại mới, huy động vốn hoặc mua bảo hiểm mới từ những công ty hoạt động trong khu vực pháp lý đó.
Không có lệnh cấm bảo hiểm dành cho các tàu thuộc sở hữu nước ngoài chở dầu Nga, nhưng nó đang được cân nhắc là một phần của gói trừng phạt mới của EU, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu từ xứ sở bạch dương.
Trong khi đó, ngành bảo hiểm đang tự áp trừng phạt trước bất kỳ lệnh hạn chế nào có thể xảy ra trong tương lai và lĩnh vực hàng hải của Nga đang chứng kiến việc bị đình chỉ cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm cả kiểm định tàu từ do công ty hàng đầu nước ngoài thực hiện (điều kiện thiết yếu để tiếp cận các cảng và mua bảo bảo hiểm), việc các công ty vận tải biển rút lui và các nhà sản xuất động cơ tàu biển tạm ngưng đào tạo thiết bị của họ.
“Các doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng trở nên khó khăn hơn so với các chính phủ, bởi vì họ sợ các nhà đầu tư và cổ đông", Ross Denton, người đứng đầu bộ phận thương mại quốc tế tại công ty luật Ashurst nhấn mạnh.
Tuấn Anh