Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sắp tròn 3 tháng. Lực lượng Nga vẫn chưa đạt được nhiều mục tiêu mà Tổng thống Putin đề ra. Ở nhiều khu vực, thế trận gần như đang giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, sau nhiều tuần hứng chịu oanh tạc, tuyến phòng ngự của phe Ukraine ở miền Đông cũng đã suy yếu.
Hiện nay đang nổi lên 2 mặt trận chính. Nga đang điều lực lượng chiến đấu về miền Đông để nỗ lực đánh chiếm các vùng Lugansk và Donetsk. Phía Ukraine thì cố gắng phòng thủ và đẩy lùi quân Nga.
Ranh giới tự nhiên do một con sông ở miền Đông Ukraine tạo ra đã ảnh hưởng đến đà tiến quân của cả hai phe.
Nga hiện có gần 100 nhóm chiến thuật tiểu đoàn (BTG) ở Ukraine, theo giới chức Mỹ, và khoảng 20 nhóm nữa ở vùng biên giới. Mỗi BTG có khoảng 1.000 lính, nhưng giới chức Mỹ đánh giá rằng nhiều đơn vị đã bị suy mòn sau hơn 2 tháng xung đột vũ trang.
Ở Lugansk và Donetsk, chưa có thành phố nào ngoại trừ Mariupol rơi vào tay Nga. Thực tế này có thể sẽ thay đổi sau nhiều tuần Nga pháo kích vành đai công nghiệp Lugansk – một chuỗi các thị trấn thành phố. Tại Rubizhne, sức kháng cự của quân Ukraine đã không còn. Những gì còn lại là cảnh tượng đổ nát và tình trạng mất điện nước.
Lực lượng chiếm đóng - chủ yếu gồm chiến binh Chechnya và dân quân của nước cộng hòa tự phong Lugansk – cũng chỉ được tiếp nhận vùng đất hoang. Nhưng việc đánh mất Rubizhne khiến thành phố Severodonetsk cận kề (với 100.000 dân trước khi xảy chiến sự) trở nên dễ bị công kích hơn.
Vai trò của sông Siversky Donets
Ở đây nổi lên vai trò của con sông Siversky Donets uốn lượn. Con sông bắt nguồn từ Nga và chảy vào Ukraine, hình thành nên các đầm lầy, các đồng bằng cửa sông và hồ nước hình vòng cổ, cắt qua các vách đá trên đường chảy. Nói cách khác, đây là cơn ác mộng đối với bất cứ cuộc tấn công quân sự nào.
Nga đã cố gắng nhưng không thành công lắm khi dựng một số cầu phao vượt sông để bao vây quân Ukraine. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy ít nhất 3 chiếc cầu đã bị phá hủy trong tuần này, gây cho quân Nga những tổn thất đáng kể.
Tiến tiếp về phía Tây, người Nga có vẻ đã vượt qua được sông nhưng không tiến quân được nhiều. Trong khi đó, mục tiêu chiến lược của họ - Sloviansk, lại sở hữu hệ thống phòng thủ chiều sâu.
Để bảo đảm một cuộc tiến công ở khu vực này, quân đội Nga cần được tiếp tế xuyên qua biên giới. Tuyến cung ứng cho họ chạy từ Belgorod tới trung tâm đường sắt Ukraine ở Kupiansk và xa hơn nữa về phía Nam.
Các lực lượng Ukraine dường như đang quyết tâm đánh phá “ống phễu” này và đã đạt được tiến bộ nhất định trong việc tái chiếm lãnh thổ về phía Bắc và Đông Kharkov. Ở một số nơi, các đơn vị Ukraine đã nhìn thấy biên giới Nga và đưa các tuyến tiếp tế của Nga vào tầm đại bác.
Bức tranh mặt trận phía Nam
Ở khu vực này, bức tranh bớt động hơn. Tiền tuyến tại đây ít dịch chuyển. Nga vẫn kiểm soát vành đai đất nông nghiệp đáng kể ở các khu vực Kherson và Zaporizhzhia, nhưng các nỗ lực của họ tiến về phía Bắc chỉ ngắt quãng.
Phía Nga tiếp tục mở các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Odessa và các khu vực ven biển.
Tình báo Mỹ không đánh giá cao kịch bản quân Nga sẽ cố sức đánh chiếm toàn bộ bờ biển Ukraine vì điều này đòi hỏi phải tổng động viên lực lượng bên trong nước Nga mà Tổng thống Putin thì cho đến nay chưa ban hành lệnh ấy.
Thay vào đó, có thể Nga sẽ cố gắng củng cố sự kiểm soát của họ đối với hành lang đất chạy từ biên giới tới Crimea và cố gắng "tích hợp Kherson vào Nga” bằng việc phát hành hộ chiếu Nga, đồng rúp và xây dựng một chính quyền thân Nga.
Chiến tranh tiêu hao
Trong các tháng tới, ít có khả năng một bên đánh nốc ao được đối phương. Khả năng cao là chiến sự sẽ diễn ra theo kiểu tiêu hao, trong bối cảnh phương Tây tăng cường gửi vũ khí cho Ukraine.
Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines vào tuần này có nói rằng “với việc cả Nga và Ukraine đều tin rằng mình có thể đạt thêm bước tiến quân sự, chúng tôi không thấy có lộ trình đàm phán khả thi nào phía trước, ít nhất là trong ngắn hạn”.
Bà Haines nhận định, cuộc chiến mang bản chất bất định, có thể phát triển thành chiến tranh tiêu hao. Theo bà, với việc Nga không nổi trội về năng lực quân sự thông thường thì cuộc chiến đó trong vài tháng tới có thể phát triển theo những hướng không dự đoán được.
Khi ấy, bất cứ sai lầm của một bên nào cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến, đúng như chiến lược gia Tôn Tử thời Trung Quốc cổ đại từng nói: “Cơ hội tránh bị thất bại nằm trong tay chúng ta, còn cơ hội đánh bại kẻ địch là do chính đối phương tạo ra”.
Theo VOV