Theo trang Military Factory, các chiến dịch quân sự được nhà chức trách Nhật Bản thực hiện tại khu vực Thái Bình Dương trong những năm đầu thập niên 1940 đòi hỏi lực lượng hải quân nước này cần có một lượng lớn tàu chiến, tàu sân bay, chiến cơ cùng thiết bị quân sự để thực hiện việc đổ bộ lên các hòn đảo.
Dù Hải quân Nhật Bản đã đưa xe tăng đổ bộ Type-2 Kami vào biên chế từ năm 1941, nhưng khí tài này trong quá trình tham gia chiến đấu và đổ bộ ở một số hòn đảo đã nảy sinh nhiều nhược điểm không đáng có. Do vậy, dự án chế tạo xe tăng đổ bộ thế hệ mới đã được một số sĩ quan cấp cao của lực lượng này đề ra vào năm 1942, với những tiêu chí “lớn hơn, tính năng tấn công lẫn phòng thủ tốt hơn”.
Tới năm 1943, dự án đã hoàn tất việc chế tạo và ra mắt những chiếc xe đầu tiên với tên gọi là Type 3 Ka-Chi. Chiều dài của xe khi không mang theo phao nổi và được lắp phao nổi lần lượt là 4,8m và 7,42m; rộng 2,79m; cao 2,34m. Trọng lượng lúc Type 3 Ka-Chi khi được tháo bỏ các phao nổi và lúc lắp hai phao nổi lần lượt là 9,15 tấn và 12,3 tấn.
Xe được trang bị một động cơ diesel Mitsubishi Type 100 có công suất 240 mã lực, nên có thể di chuyển với vận tốc 32 km/h trên địa hình bằng phẳng, với phạm vi hoạt động lên tới 320km. Còn khi lội nước, vận tốc tối đa của Type 3 Ka-Chi rơi vào khoảng 10 km/h. Các vũ khí được lắp trên Type 3 Ka-Chi gồm một khẩu pháo Type 1 sử dụng loại đạn cỡ 47mm có thể xuyên thủng lớp giáp dày 30mm ở khoảng cách 1km, cùng hai súng máy Type 97.
Để có thể vận chuyển và triển khai tác chiến Type 3 Ka-Chi bởi tàu ngầm ngay cả khi ở dưới mặt nước, các kỹ sư Nhật Bản đã sử dụng một phương thức chế tạo tuyệt mật để khiến thân xe tăng đối phó được với áp suất nước cực lớn dưới lòng Thái Bình Dương.
Dù Type 3 Ka-Chi sở hữu những tính năng tuyệt hảo mà một xe tăng đổ bộ khi đó cần có, tuy nhiên Hải quân Nhật Bản trong giai đoạn 1943-1945 chỉ tập trung vào việc đóng tàu chiến, tàu sân bay cùng các phi đội chiến cơ để đối phó Hải quân Mỹ, nên dự án phát triển xe tăng này chỉ được rót nguồn vốn ít ỏi và tới gần cuối Thế chiến Hai thì ngừng hẳn. Theo trang Tanks-encyclopedia, toàn bộ 19 chiếc Type 3 Ka-Chi được chế tạo từ năm 1943-1945 đã bị nhà chức trách Nhật Bản phá hủy sau khi chiến tranh kết thúc.