Đặt chân đến Pakistan, du khách dễ dàng gặp những chiếc xe tải Taj (hay Jingle Truck) trang trí hoa văn sặc sỡ. Nhiều người Việt Nam thậm chí còn có cảm giác "rùng mình" khi lần đầu nhìn thấy.
Truyền thống vẽ và trang trí hoa văn xe tải ở quốc gia này bắt nguồn từ những năm 1940 khi những tài xế theo đạo Sikh vẽ chân dung của các đạo sư và các nhân vật trong tôn giáo của mình, sau đó vẽ thêm những hình ảnh phong cảnh, ngựa có cánh, chim công, cá, hoa cỏ... lên trong và ngoài xe để thể hiện sự tôn kính, đồng thời cầu nguyện cho sự an toàn khi lưu thông.
Để sản xuất thân vỏ có thể trang trí lên, người Pakistan phải sử dụng một số thứ như sắt, gỗ, sơn, nhựa và ghế bằng vải. Các vật dụng này kết hợp lại với nhau mang tạo nên sự độc đáo, bắt mắt.
Công đoạn này mất khoảng 1 tháng, tốn hơn chục nhân công. Sau khi hoàn thiện phần khung, người thợ tiến hành hàn gắn các chi tiết lên xe.
Mở cửa bước vào không gian chật hẹp của buồng lái dễ dàng nhận thấy từng cm khoảng trống từ vô-lăng, ghế, mép kính… đều được làm đẹp. Những câu thơ, truyện tôn giáo được khắc họa chi tiết và tinh xảo, biến mỗi một chiếc xe trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt.
Nghệ thuật trang trí xe tải ở Pakistan bắt đầu nổi tiếng thế giới từ những năm 1970 khi du khách quốc tế tới đây thấy lạ rồi khoe với bạn bè, người thân của họ.
Trong một cuốn sách viết về hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Iran đến Nam Á mang tên "Paradise", nhóm thanh niên hippie đến từ châu Âu và Mỹ cũng tỏ ra ngạc nhiên trước những hình ảnh lạ lẫm này.
Thời gian gần đây, cách thức trang trí xe tải của người Pakistan ngày càng đa dạng hơn. Bên cạnh các bức họa chân dung các vị thần hay đạo sư người Pakistan còn vẽ thêm những nhân vật mà họ yêu thích.
Không thừa một khoảng trống nào, ngay cả phần gương chiếu hậu cũng được trang trí đường viền tỉ mỉ.
Bên cạnh đó, thùng xe hay gác chắn cũng được trang trí thêm chuông, chùm dây. Khi xe lăn bánh, âm thanh leng keng cất lên rất vui tai cùng với những sợi vải đủ sắc phấp phới trong gió.
Mỗi bộ phận được trang trí khác biệt với một phong cách khác nhau, phụ thuộc vào từng vùng. Ví dụ như xe tải tại Balochistani và Peshawari tài xế có thiên hướng sử dụng nhiều gỗ trong khi tại Rawalpindi và Islamabad các miếng họa tiết cho xe thường được làm bằng nhựa (plastic).
Được biết, nghệ thuật trang trí xe tải ở đây cũng ảnh hưởng nhiều đến việc làm ăn của người dân. Họ quan niệm, chiếc xe càng đẹp càng có tiềm năng cho việc phát triển.
Để trang trí toàn bộ một chiếc xe, tài xế phải chi trả từ 3.000 - 5.000 USD. Từ lâu, điều này đã trở thành nét văn hóa riêng biệt không chỉ ở Pakistan mà còn ở một số quốc gia Trung Á.
Thảo Nguyên