Tuổi thơ bị bố mẹ 'giam cầm'
Thích Kha (SN 1976) xuất thân trong một gia đình bình thường ở TP Tương Đàm, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Mặc dù trình độ học vấn không cao, nhưng bố mẹ chú trọng vào tương lai của Thích Kha. Từ nhỏ, họ luôn kỷ luật nghiêm khắc, đặc biệt trong vấn đề học hành của anh.
Bố mẹ nói với Thích Kha hãy tập trung học và đừng làm bất kỳ điều gì khác. Sống trong môi trường áp lực, anh luôn cố gắng đạt điểm cao để bố mẹ hài lòng. Niềm vui lớn nhất của họ là được người thân và bạn bè khen Thích Kha học giỏi. 12 năm học, anh luôn đạt điểm số tốt và đứng trong top đầu những học sinh giỏi của trường, lớp.
Tuổi thơ anh gắn liền với việc học và hoàn thiện bài tập về nhà. Nếu những đứa trẻ quanh xóm được vui chơi sau khi tan học, Thích Kha phải ngồi làm bài. Thậm chí, để con trai tập trung học, bố mẹ cấm việc anh tự ý kết bạn với người khác.
Khoảng thời gian đi học, Thích Kha chỉ biết đường từ nhà đến trường, không có bạn bè chơi cùng. Họ sẵn sàng nổi nóng nếu thấy Thích Kha đưa bạn bè về nhà hoặc giao lưu với người lạ. Ngoài việc hạn chế kết bạn, bố mẹ còn khắt khe quản lý thời gian nghỉ ngơi của Thích Kha.
Từ nhỏ đến lớn, anh chưa từng rời xa bố mẹ, mọi thứ đều do họ làm. Anh có nhiệm vụ duy nhất là học. Chính vì sự bao bọc quá đà của bố mẹ, lên cấp 2, Thích Kha chưa thể tự chăm sóc bản thân, thậm chí quần áo cũng không biết gấp.
Vì sự cấm đoán của bố mẹ, Thích Kha ngày càng thu mình. Ở trường, anh không nói chuyện với bạn bè. Cảm thấy tình hình không ổn, giáo viên liên hệ với bố mẹ Thích Kha để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, họ cho rằng con trai vẫn bình thường, chỉ là Thích Kha muốn tập trung học nên hạn chế giao lưu với bạn bè.
Tốt nghiệp ĐH top đầu nhưng đi xin việc bị từ chối
Cuộc sống của Thích Kha xoay quanh việc học, nên chuyện chọn ĐH cũng do bố mẹ quyết định. Họ mong muốn con trai thi vào ĐH Thanh Hoa. Năm 1994, Thích Kha tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, đạt 636/750 điểm. Anh đỗ vào ĐH Thanh Hoa, chuyên ngành Vật lý theo kỳ vọng của bố mẹ.
Đối với chuyên ngành Vật lý cần nhiều dữ liệu để thực hành, nhưng Thích Kha không giỏi giao tiếp và không thích hòa nhập vào nhóm. Do đó, kỳ học đầu tiên anh trượt nhiều môn. Điều này khiến anh dần mất niềm tin vào bản thân. 4 năm ĐH, anh nợ nhiều môn nên không tốt nghiệp đúng hạn. Sau 6 năm, năm 2000, Thích Kha ra trường và bắt đầu đi xin việc.
Công việc đầu tiên của anh làm tại Viện Vật lý cao cấp của Học viện Khoa học Trung Quốc. Tuy nhiên, Thích Kha sớm bị sa thải vì lười biếng, thái độ không nghiêm túc. Sau đó, Thích Kha xin vào làm tại công ty phát triển phần mềm đồ chơi. Thế nhưng, anh lại bị sa thải vì không thể theo kịp mọi người và lười học hỏi.
Đến lần thứ 3, Thích Kha làm bốc vác tại công trường xây dựng và nghỉ sau 1 ngày làm việc vì không phù hợp. Năm 2005, Thích Kha ứng tuyển vào vị trí đóng gói sản phẩm trong nhà máy. Công việc lặp lại hàng ngày, khiến anh nhàm chán cùng với thái độ làm hời hợt, không chịu khó, Thích Kha lại bị sa thải.
Cuối cùng, anh quyết định đi phát tờ rơi - một công việc đơn giản. Điều khiến anh không ngờ, khoảnh khắc phát tờ rơi trên đường bị phóng viên chụp lại. Sau đó, trên các trang báo xuất hiện bài viết với tiêu đề: "Cử nhân ĐH Thanh Hoa thất nghiệp" đã thu hút sự chú ý nhiều người. Phần lớn, họ lên tiếng chỉ trích Thích Kha là kẻ thất nghiệp.
Trước áp lực của dư luận, Thích Kha từ bỏ công việc phát tờ rơi, không dám ra ngoài tìm việc. Sau 6 năm tốt nghiệp ĐH, bạn bè đều thành đạt chỉ có Thích Kha không có việc làm. Điều này lại càng khiến anh phải suy nghĩ.
Sau cú sốc lớn về tinh thần, Thích Kha tự nhốt mình trong nhà, không giao lưu với mọi người. Anh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Gia đình đưa Thích Kha đi chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh tình không cải thiện.
Kể từ khi Thích Kha bị bệnh, bố mẹ hối hận vì phương pháp giáo dục con không đúng cách để dẫn tới bi kịch như hiện tại. Họ đã nuôi dạy con trai như cỗ máy chỉ biết học, không kết bạn, không giao tiếp với người khác. Hơn 20 năm trôi qua, ở tuổi 47, Thích Kha chỉ có thể dựa dẫm vào bố mẹ. Anh không kiếm được tiền, không lao động, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình.
Câu chuyện này là bài học cảnh tỉnh phụ huynh về việc bao bọc con thái quá. Việc đứa trẻ thiếu kỹ năng sống và trải nghiệm, khi bước vào xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. Trường hợp của Thích Kha là ví dụ điển hình cho phương pháp giáo dục con sai cách của phụ huynh, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Theo 163