Hoài niệm
Khác với nhiều chung cư cũ của TP.HCM, chung cư 42 Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM) ồn ã, náo nhiệt bất kể ngày đêm. Ngoài tiếng nhạc từ các hàng quán bên trong, chung cư còn đón tiếp vô số lượt khách tham quan mỗi ngày.
Ban đêm, khách đến chung cư để thưởng thức món ăn, thức uống trong các căn hộ đã được cải tạo thành hàng quán. Ban ngày, họ đến đây tìm không gian, người cũ... để hoài niệm về một Sài Gòn xưa với những nét đẹp đặc trưng.
Tại đây, chuyện đời của những người gắn bó với khu chung cư thường được quan tâm nhiều hơn cả. Và, chuyện đời của bà Nguyễn Thị Để (76 tuổi) là một trong những trường hợp như vậy.
Bà Để đã gắn bó, cùng chung cư trải qua những thăng trầm, biến đổi suốt 36 năm qua. Tuy vậy, trước khi về đây, bà được cho là đại gia, ở trong biệt thự rộng hàng nghìn mét vuông.
Nhắc đến chuyện xưa, bà Để cười hiền, giải thích: “Đúng là tôi có thời gian sống trong biệt thự rộng lớn. Lúc đó, căn biệt thự nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tuy nhiên, tôi không phải người giàu có. Căn biệt thự đó là của người Pháp. Mẹ tôi làm việc cho họ nên tôi được vào ở để phụ bà công việc hàng ngày”.
Bà sinh sống trong biệt thự rộng lớn không bao lâu thì giải phóng. Người Pháp về nước, bà và mẹ ra ngoài bươn chải.
Khi đã ngoài 30, có chồng và 4 đứa con, bà lại đón nhận nỗi đau lớn nhất đời mình. Năm đó, chồng bà có ý định vượt biên. Bà ngăn cản nhưng không được.
Gia đình ly tán, tình duyên không trọn, bà vò võ một mình nuôi con. Từ lúc vượt biên, chồng bà không gửi thư từ gì về thăm vợ, con. Ông vô tình đến nỗi chị, em chồng của bà khuyên: “Tâm trí, đầu óc nó bây giờ như sắt đá rồi, em đừng nhớ nhung làm gì nữa”.
“Căn hộ lỗ cáo”
Sau thời gian dài mong ngóng chồng trở về trong vô vọng, bà tắt lửa lòng, một mình nuôi 4 người con. “Chồng đi nước ngoài, hạnh phúc gia đình tôi đổ bể từ đó. Sau này, tôi không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi 4 đứa con, dựng vợ gả chồng cho chúng. Bây giờ, tôi có cháu cố rồi”, bà nói.
Sau thời gian sinh sống ở biệt thự bà vào ở trong chung cư 42 Nguyễn Huệ. Lúc này, chung cư chưa đông đúc như bây giờ. Cư dân tại đây đều là người trí thức, sống hiền hòa và quý nhau như người một nhà.
Bà kể: “Thời đó, người có địa vị xã hội cao, giàu có… thường ở lô ngoài mặt tiền đường Nguyễn Huệ. Người ít tiền hơn hoặc độc thân thì ở dãy giữa. Như tôi và mẹ lúc đó chỉ là bồi bếp cho chủ người Pháp nên ở dãy trong cùng - dãy nhỏ nhất. Sau nay mọi người mới mua đi bán lại”.
Đến bây giờ, bà vẫn gắn bó với căn phòng nhỏ nằm ngay góc cua của cầu thang bộ tầng 7 dẫn lên tầng 8 chung cư. Căn phòng này trước đây là của một người phụ nữ đáng tuổi em bà. Sau đó, người này cần tiền xuất ngoại nên sang lại.
Bà gọi đây là "căn hộ lỗ cáo" vì nó có những lỗ thông gió trông như mắt con cáo. Căn phòng tuy chật hẹp nhưng từng là tổ ấm của 5 mẹ con bà Để. Bây giờ, các con của bà đều có gia đình riêng, ra ngoài chung cư sống.
Tuy vậy, bà Để không có ý định rời bỏ chung cư cũ để đến ở với các con. Bởi, bà đã gắn bó với nơi đây suốt hơn 30 năm qua.
“Tôi quen ở đây rồi nên không dễ rời đi. Nơi đây luôn đầy ắp kỷ niệm và lưu giữ ký ức của tôi về những năm tháng tuổi trẻ của mình”, bà chia sẻ.