Đã 85 tuổi nhưng bà Carol Siegler vẫn tham gia hoạt động tình nguyện và tập thể dục đều đặn vài ngày mỗi tuần. Bà thường xuyên giao lưu với bạn bè và gia đình, đọc tất cả các loại sách và giải ô chữ hằng ngày.
Dù vậy, bà vẫn cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt: “Tôi thấy mình giống như một chiếc xe thể thao Corvette được sử dụng để chở hàng tạp hóa”, cụ Siegler, sống ở vùng ngoại ô Palatine của Chicago (Mỹ) tâm sự.
Theo CNN, bà Siegler đã đăng ký tham gia chương trình Nghiên cứu Siêu lão hóa với thành viên là những người cao tuổi có trí nhớ vượt trội trong 14 năm. Chương trình này là một phần của Trung tâm Mesulam về Thần kinh nhận thức và Bệnh Alzheimer tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern.
SuperAger - Người già minh mẫn
Để trở thành SuperAger, một người trên 80 tuổi cần trải qua bài kiểm tra nhận thức sâu rộng. Họ sẽ được công nhận nếu trí nhớ tốt bằng hoặc hơn những người bình thường trong khoảng 50-60 tuổi.
Nhà khoa học thần kinh nhận thức Emily Rogalski cho biết: “Các SuperAger được yêu cầu phải có khả năng nhớ lại các sự kiện hằng ngày và trải nghiệm cá nhân trong quá khứ. Ngoài ra, họ phải đạt mức trung bình trong các bài kiểm tra nhận thức khác”.
Rogalski, người phát triển dự án SuperAger, chia sẻ, chỉ khoảng 10% những người đăng ký tham gia đáp ứng các tiêu chí đó.
Các tình nguyện viên sẽ được kiểm tra nhận thức cũng như quét não lặp lại hằng năm. Phân tích dữ liệu trong thời gian dài mang lại kết quả thú vị.
Tế bào thần kinh lớn hơn
Bộ não của hầu hết mọi người co lại khi họ già đi. Tuy nhiên, ở SuperAger, các nghiên cứu ghi nhận, vỏ não, chịu trách nhiệm về suy nghĩ, ra quyết định và trí nhớ, vẫn dày hơn nhiều và co lại chậm hơn.
Các tế bào thần kinh cũng lớn hơn, khỏe hơn. Tamar Gefen, Phó giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Northwestern, giải thích: “Đó là một trong những khu vực đầu tiên của não bộ bị bệnh Alzheimer tấn công”.
Gefen, tác giả chính của một nghiên cứu vào tháng 11, cho biết, vỏ não có kết nối trực tiếp với một trung tâm trí nhớ quan trọng khác, vùng hải mã, rất cần thiết cho trí nhớ và học tập.
Nghiên cứu cũng cho thấy bộ não của SuperAger có số lượng rối tau ít hơn 3 lần so với bộ não của những người khác. Rối tau là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác.
Bộ não của SuperAger có nhiều tế bào thần kinh von ecomo hơn, một loại tế bào não hiếm, được đánh giá cho phép giao tiếp nhanh chóng trên não.
Rogalski, Phó giám đốc của Trung tâm Mesulam về Thần kinh học Nhận thức và Bệnh Alzheimer tại Feinberg, cho biết SuperAger có những đặc điểm tương tự nhau. Họ thường xuyên vận động, sống tích cực, luôn để não hoạt động mỗi ngày như đọc hoặc học một cái gì đó mới. Nhiều người vẫn tiếp tục làm việc ở độ tuổi 80.