Lời tòa soạn

Trong lịch sử, Trung Quốc có không ít gia tộc nổi tiếng về độ giàu có và quyền lực như nhà họ Bối ở Tô Châu, nhà họ Vinh ở Vô Tích... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được những thăng trầm mà các gia tộc đó đã trải qua, cũng như những bí mật sâu kín của họ.

VietNamNet giới thiệu tới độc giả tuyến bài Bí ẩn các gia tộc nổi tiếng Trung Quốc.

Bài 1: Bí ẩn gia tộc phồn thịnh suốt 17 đời, sở hữu hàng nghìn bất động sản giá trị

Bài 2: Bí ẩn gia tộc sản sinh ra những 'ông vua' giàu nhất xứ tỷ dân

Bài 3: Chuyện về gia tộc sở hữu kim bài miễn tử, hậu duệ có nhiều nhân vật nổi tiếng

Tổ tiên nhà họ Vương sống ở Lang Nha, gần Thanh Đảo thuộc Sơn Đông ngày nay. Năm 1313, gia chủ họ Vương lúc đó là Vương Thành Trai đưa dòng họ di cư dần về hướng tây, khai hoang ở vùng Linh Thạch, Sơn Tây và định cư ở đây.

P1559195989969py9RFvXKTOwRmuA5DvSc9K.jpg
Toàn cảnh biệt phủ nhà họ Vương. Ảnh: you.m.autohome

Thời kỳ đầu, gia tộc này ngoài làm nông còn kiếm sống bằng nghề bán đậu phụ. Sau đó họ chuyển hướng sang làm muối, kinh doanh tơ lụa, lương thực và ngân phiếu, rồi trở thành những thương nhân giàu có bậc nhất vùng Sơn Tây lúc bấy giờ.

Vào thời đỉnh cao, nhà họ Vương sở hữu hàng ngàn mẫu đất, có nhà cửa trải dài khắp Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Hà Bắc và thậm chí đến tận Bắc Kinh.

750x0_1_autohomecar__ChcCSF3kvq6AfYYMACWaDqD1z2g745.jpg
Ảnh: you.m.autohome

Sử sách còn ghi lại dưới thời vua Khang Hy (1654 - 1722), cháu trai đời thứ 14 của nhà họ Vương là Vương Khiệm Hòa và Vương Khiệm Thụ nắm bắt được cơ hội hợp tác với triều đình, áp dụng sáng tạo chiến lược “thương nhân nuôi quân đội, quân đội bảo vệ thương nhân”, cung cấp ngựa và lương thảo cho quân triều đình nên đã hiện thực hóa được giấc mơ "danh gia vọng tộc" của dòng họ.

Gia tộc họ Vương mặc dù không tham gia con đường thi cử, song nhờ mối quan hệ tốt và những đóng góp cho triều đình, nhiều thành viên đã được đề đạt tiến quan, cấp bậc cao nhất mà dòng họ này đạt tới là bậc quan nhị phẩm.

Trong thời gian này, biệt phủ của nhà họ Vương liên tục được mở rộng và xây mới. Với tổng diện tích lên tới 250.000m2, gấp 1,6 lần diện tích xây dựng của Tử Cấm Thành (150.000m2).

Bên trong phủ có nhiều phân khu với 123 viện nhỏ, 1.118 gian nhà. Tất cả đều tựa lưng vào núi, cửa chính quay về hướng nam. Đây được cho là hướng phong thủy tốt, đón gió mát mùa hè và chắn gió lạnh mùa đông.

Vì được nhiều thế hệ xây dựng trong suốt 300 năm nên phong cách bài trí mỗi khu vực và căn nhà bên trong phủ cũng khác nhau. Tuy nhiên, diện tích đất tại đây đều được tận dụng một cách triệt để.

Các tòa nhà có kiến trúc rất độc đáo, là sự kết hợp của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, gạch và các kỹ thuật kỳ công khác, in đậm những dấu ấn lịch sử cổ xưa.

750x0_1_autohomecar__ChcCRF3kwAuAa9G6ADKGYEHgx0E749.jpg
Ảnh: you.m.autohome

Năm 1853, Vương Hồng Tiệm, gia chủ đời thứ 21 nhà họ Vương bị giết chết trong một cuộc giao tranh. Kể từ đây, nhà họ Vương dần suy yếu nhưng vẫn giàu nhất huyện Linh Thạch, cho tới khi chiến tranh loạn lạc khiến cả gia tộc ly tán.

Theo ông Vương Nhu Kiệt (80 tuổi), con cháu đời thứ 22 của nhà họ Vương, điều giúp gia tộc này tồn tại và trải qua 8 thế hệ hưng thịnh là nhờ gia huấn tổ tiên chú trọng dạy dỗ con cháu biết giữ chữ tín, phép tắc, tích đức làm việc thiện.

ba63f3be1a8945e28d7b5c4813aaaab7.jpeg
Năm 1994, một số sân viện trong biệt phủ mở cổng cho khách tham quan, ông Vương Nhu Kiệt trở thành cố vấn văn hóa dân gian của di tích. Ảnh: Kankannews

Tuy không còn là gia tộc giàu có nhất nhì Trung Quốc, song sự tồn tại của biệt phủ rộng lớn cho tới ngày nay vẫn là minh chứng rõ ràng nhất cho thời kỳ vàng son của nhà họ Vương.

Theo Sohu, công trình này được công nhận là khuôn viên tư gia lớn nhất Trung Quốc và cũng đồng thời là di tích lịch sử trọng điểm quốc gia từ năm 2006.