Đầu óc nhạy bén, khéo léo sử dụng “quyền lực” trong tay, vị phú hào sở hữu khối gia sản khổng lồ khiến người Pháp phải ngạc nhiên.
LTS: Suốt hơn 100 năm qua, người dân TP.HCM vẫn truyền tụng câu nói nổi tiếng: nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa (hay tứ Định) khi nhắc đến bốn vị đại phú hào giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa.
Sở hữu ruộng đất bao la, khối tài sản khổng lồ, vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, độ giàu có của những nhân vật này không chỉ bó hẹp trong Sài Gòn mà còn đứng ở vị trí nhất, nhì ở Đông Dương.
Tuyến bài Gia sản khổng lồ củađại phú hào Sài Gòn xưa lật mở những thông tin để bạn đọc hình dung phần nào về các nhân vật nổi tiếng này.
Ngoài gia tộc Huyện Sỹ Lê Phát Đạt giàu có tột đỉnh, Sài Gòn giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 còn chứng kiến nhiều đại phú hào khác. Xếp ngay sau Huyện Sỹ là gia tộc của vị quan Tổng đốc họ Đỗ mà người xưa quen gọi là Tổng đốc Phương.
Tổng đốc Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương. Ông sinh năm 1841 tại Chợ Đũi, nay là khu vực phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM. Khác với Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, ông Phương giàu từ trong trứng nước.
Ông sinh trong gia đình có cha là bá hộ, sở hữu, cai quản vùng đất trồng lúa, cây ăn trái bạt ngàn ở phía Bắc Sài Gòn xưa. Tại trung tâm Sài Gòn, gia đình ông cũng sở hữu hàng trăm căn nhà mặt tiền để cho thuê, kinh doanh.
Giàu từ trong trứng nước, nên Đỗ Hữu Phương được ăn học và trở thành thanh niên hiểu biết, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức văn hóa. Bằng những mối quan hệ và sự khéo léo của mình, ông được người Pháp cất nhắc, cho giữ các chức vụ trong chính quyền Pháp thuộc.
Theo sách Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quỳnh, ông Đỗ Hữu Phương được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế phong hàm Tổng đốc.
Tận dụng con đường quan lộ thênh thang cùng đầu óc thông minh, nhạy bén, Tổng đốc Phương giàu lên nhanh chóng.
Ở thời điểm cực thịnh của mình, Tổng đốc Phương sở hữu dinh thự xa hoa bậc nhất Sài Gòn xưa. Các tài liệu xưa ghi nhận, bề ngoài, dinh thự này được xây dựng theo kiến trúc phương Tây. Tuy nhiên, nội thất lại thiết kế theo phong cách Việt Nam, Trung Quốc.
Dinh thự không chỉ khiến người dân Sài Gòn lúc bấy giờ ngưỡng mộ, mà còn khiến người Pháp phải thốt lên kinh ngạc khi được đến thăm, chiêm ngưỡng. Một trong số này là Bá tước Pierre Barthélemy.
Trong tác phẩm En Indochine 1894-1895 của mình, ông Barthélemy viết: “Nhà ông (Đỗ Hữu Phương - PV) là một sự pha trộn lạ kỳ giữa Âu và Á. Sân trong thiết kế theo kiểu Trung Hoa, chung quanh sân là các phòng kiểu An Nam mà một phòng salon ở tận trong rất đáng chú ý. Đối diện với salon này là một biệt thự kiểu Âu.
Bàn thờ trong phòng salon An Nam này là một công trình tuyệt diệu nổi tiếng, bàn thờ được cẩn xà cừ. Những cột nhà làm bằng gỗ teak rất quý, trụ mái nhà của phòng salon này trông rất thanh tao và trên một bàn làm bằng gỗ quý là những chai rượu absinthe, amer Picon và những sản phẩm của Pháp khác.
Ông ấy thích đãi khách các đồ ăn đặc biệt và ông ấy cũng biết thưởng thức các loại rượu của chúng ta. Nếu phải diễn tả hết tất cả sự giàu sang của nội thất An Nam này thì phải viết rất nhiều trang giấy…”.
Học giả Vương Hồng Sển cũng nhận định, ở thời đại của mình, sự nghiệp của ông Phương đồ sộ, đứng nhất nhì trong xứ Nam kỳ lục tỉnh. Trong khi đó, nhà văn Sơn Nam ghi nhận, Tổng đốc Phương sỡ hữu 2223 mẫu đất ở các làng Hỏa Lựu, Hòa Hưng và Vĩnh Hòa Hưng xưa.
Trong sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam của mình, nhà văn Sơn Nam viết: "Như ta biết, Chợ Lớn là nơi tập trung thương gia Huê kiều, Phương không bỏ qua cơ hội để làm giàu, giải quyết mọi "áp phe" giùm cho thương gia, đãi tiệc viên chức Pháp, làm trung gian lo hối lộ.
Nhờ vậy mà làm giàu nhanh chóng, uy thế lên cao đến mức quan Toàn quyền Paul Doumer khi vào Nam còn ghé nhà Phương ăn uống, có lẽ nhờ dịp này mà được quan Toàn quyền cho khẩn trưng sở đất ruộng lớn đến 2223 mẫu tây".
Gia sản kếch xù, lối sống xa hoa
Cho đến nay, người dân vẫn còn truyền tai nhau giai thoại gia đình Tổng đốc Phương có riêng một đội đếm tiền được sắp xếp bí mật trong căn phòng sau nhà.
Khi đến mùa vụ hoặc dịp thu tiền của thương lái, tiểu thương, những người này ăn ngủ tại chỗ để đếm tiền. Số tiền được họ buộc chặt, rồi cất vào căn phòng kín kiên cố và khóa nhiều lớp.
Ngoài ra, học giả Vương Hồng Sển cũng cho rằng, Tổng đốc Phương xây dựng Nghĩa Nhuận hội quán vào năm 1872. Trong sách Sài Gòn năm xưa, ông viết: "Nghĩa Nhuận Hội quán, đường Gò Công, lập năm 1872, do ông Đỗ Hữu Phương (1840-1914) gây dựng và con là Đỗ Hữu Trí vun bồi".
Hội quán này được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993.
Tại khu vực Chợ Lớn xưa, Tổng đốc Phương cũng bỏ tiền tu bổ nhiều chùa chiền, miếu mạo nên được dân chúng yêu mến, nhớ ơn. Ngày xưa, khu vực này có cây cầu tên là cầu Ông Lớn. Theo học giả Vương Hồng Sển, Ông Lớn chính là cách gọi Tổng đốc Phương của người Sài Gòn xưa.
Nắm giữ gia sản kếch xù, Tổng đốc Phương được nhận định là người giàu có thứ 2 chỉ sau Huyện Sỹ Lê Phát Đạt. Tuy có phần lép vế về độ giàu có, nhưng tiếng tăm Tổng đốc Phương lại áp đảo Huyện Sỹ.
Nhận định trên xuất phát từ việc vị đại phú hộ này có quan hệ thân thiết với các quan chức cấp cao trong chính quyền Pháp thuộc. Ông cũng có nhiều bạn bè là người ngoại quốc đến giao lưu, thăm viếng thường xuyên.
Tổng đốc Phương cũng được biết đến như vị đại phú hào có lối sống xa hoa, sành điệu, thích giao thiệp. Điều này thể hiện trong việc ông xây cả một rạp hát bội nhỏ tại nhà để chiêu đãi khách.
Ông cũng được miêu tả là thường đến nhà hàng, khách sạn Continental ở Sài Gòn để giao lưu, gặp gỡ những người bạn thượng lưu, trí thức.
Trong hồi ký của mình, Toàn quyền Đông Dương Joseph Athanase Doumer viết: “Ông Phủ ở Chợ Lớn tiếp khách người Âu trong nhà ông, mời uống rượu champagne và bánh petits beurres de Nantes, cho khách xem một vài sản phẩm đặc thù lạ kỳ của người An Nam và tổ chức theo sự đòi hỏi, ước muốn của khách, xem một tuồng hát của người bản xứ…”.
Lối sống xa hoa của đại phú hào Đỗ Hữu Phương cũng được người Pháp ghi nhận. Trong Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh, tác giả Hứa Hoành cho rằng, Đỗ Hữu Phương là người duy nhất qua lại thăm viếng Pháp nhiều lần.
Tổng đốc Phương sang Pháp lần đầu tiên vào năm 1874 để dự hội chợ Paris. Sau đó, ông liên tiếp đến Pháp vào các năm 1884, 1889 và 1894 để du lịch và thăm con cái đang du học tại đây.
Thậm chí, nhà biên khảo lão thành Pháp Antoine Cabaton còn nhận định, ông Phương đã tham dự Hội chợ kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp và sau này góp phần tổ chức khu triển lãm Đông Dương ở Hội chợ quốc tế Paris năm 1900.
Là gia tộc giàu có thứ 2 Sài Gòn xưa, Tổng đốc Phương cho các con của mình học tập trong những ngôi trường danh giá ở nước ngoài. Thế nên khi lớn lên, các con ông đều là những người thành đạt.
Hiện nay, những dấu tích về gia tộc được đánh giá là giàu có thứ 2 Sài Gòn xưa tại TP.HCM không còn nhiều. Ngoài Hội quán Nghĩa Nhuận (quận 5), trước đây tại quận 3 còn có ngôi từ đường của dòng tộc Đỗ Hữu.
Tuy nhiên hiện nay, ngôi từ đường này đã không còn. Dù vậy, tiếng tăm và mức độ giàu có của Tổng đốc Phương vẫn được người dân TP.HCM, cũng như tài liệu xưa nhắc đến.
Người Sài Gòn xưa xếp Tổng đốc Phương đứng thứ 2 sau Huyện Sỹ như một cách công nhận và ngưỡng mộ mức độ giàu có tột đỉnh của con người này.
Cùng thời, ngoài Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, Sài Gòn còn xuất hiện thêm nhân vật có mức độ giàu có vượt xa số còn lại. Ông vốn là bá hộ nhưng đã từ bỏ chức quan ra kinh doanh để rồi chiếm vị trí giàu thứ 3 Sài Gòn xưa.
Kỳ tới: Rời bỏ chức quan, bá hộ độc chiếm vị trí giàu có thứ 3 của Sài Gòn xưa
Ông bà Ưng Thi đã dồn hết vốn liếng mua một khu đất trên đường Nguyễn Huệ gần Tòa Đô Chánh (nay là UBND TP.HCM) để xây dựng rạp Rex, một rạp chiếu bóng với quy mô chưa từng có ở Việt Nam.