Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về tổng đàn gia cầm, đàn lợn,... song thị phần ngành chăn nuôi đang bị các ông lớn ngoại thâu tóm dần. Khoảng 8 triệu hộ nông dân đã bị loại khỏi cuộc chơi.
LỜI TÒA SOẠN
Ngành chăn nuôi là sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam. Thế nhưng, khó khăn từ thị trường, 'bão' giá thức ăn chăn nuôi kéo dài khiến không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp chăn nuôi trong nước thua lỗ nặng.
Trong khi đó, thịt nhập khẩu, thậm chí sản phẩm thải loại vẫn ồ ạt tràn vào, "đè chết" các trang trại nội. Còn sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam phải chịu những rào cản kỹ thuật ngặt nghèo từ các nước, khiến ngành chăn nuôi Việt Nam vốn đã yếu thế càng khó chống đỡ. Người nuôi và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh bức tranh ảm đạm của ngành chăn nuôi, để những nhà quản lý có thêm thông tin thực tế, sớm có các giải pháp cho ngành này.
Rời "cuộc chơi" vì kiệt quệ
Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc HTX Chăn nuôi Thành Đạt (Hưng Yên) - nuôi lợn hơn 20 năm nay, song đây là lần đầu tiên vợ chồng ông phải treo chuồng vì thua lỗ. Trại nhà ông có quy mô chăn nuôi lên tới 5.000 con lợn thịt thương phẩm. Vậy nhưng suốt từ tháng Giêng đến giờ, ông chỉ giữ lại mấy chục con lợn nái, còn lại đều bỏ trống.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Toản cho biết, HTX có 9 thành viên, đỉnh điểm tổng đàn lợn thịt duy trì tới 10.000 con. Thế nhưng, từ năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, giá bán lợn bấp bênh, nhiều thành viên thua lỗ nên treo chuồng. Có hộ treo chuồng đã 6 tháng vẫn chưa vào đàn lại.
"Lỗ quá nên mọi người sợ nuôi. Mấy năm gần đây, dịch bệnh hoành hành nên họ càng lo", ông nói.
Cách đây 2 ngày thấy giá lợn nhích, ông đánh liều vào đàn hơn 1.000 con lợn thịt. Phải hơn 5 tháng nữa, lứa lợn này mới được xuất bán. Lúc đó, giá cả thế nào chưa biết, liệu có lãi không hay lại lỗ nên ông không dám nuôi nhiều.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Trong đó, chủ yếu là chăn nuôi gà thịt, chiếm 81% tổng đàn gia cầm ở nước ta.
Trong quý I/2023, đàn gia cầm ước đạt 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng đàn lợn cả nước tính đến cuối tháng 3/2023 là 24,66 triệu con, tăng 6,2% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước đạt 1.192 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam cũng lọt top đầu châu Á về tổng đàn lợn.
Song, nông hộ chăn nuôi đang phải treo chuồng hàng loạt do thua lỗ, không còn vốn để tái sản xuất. Các hộ nuôi nhỏ lẻ kiệt sức.
Một thực trạng đáng lưu ý: doanh nghiệp chăn nuôi nội đang yếu thế so với doanh nghiệp FDI, người nuôi nhỏ lẻ bị loại dần ra khỏi cuộc chơi. Theo số liệu năm 2022, ở mảng chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 10%, doanh nghiệp FDI chiếm 90% thị phần. Với gà lông màu, năm 2022, doanh nghiệp FDI chiếm 55%, doanh nghiệp nội chiếm 45% thị phần; con số này năm 2021 lần lượt là 40% và 60%.
Báo cáo ngành chăn nuôi lợn 2023 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dẫn cơ cấu nguồn cung thịt lợn ở Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét, một thời gian dài các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 30% tổng đàn, 70% do hộ chăn nuôi và doanh nghiệp Việt nắm giữ. Lúc đó, nông hộ chăn nuôi là người quyết định giá. Nay, tình thế đã đảo ngược.
"Cách đây 10 năm, chúng ta có 10 triệu hộ chăn nuôi, cách đây 3 năm là 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ", ông cho hay. Tức, 8 triệu hộ chăn nuôi đã phải rời bỏ cuộc chơi.
'Ông lớn' ngoại quyết định giá
Trong bối cảnh cung vượt cầu, giá thành sản xuất tăng cao, cả người chăn nuôi và các doanh nghiệp bất kể nội, ngoại đều thua lỗ nặng. Tuy nhiên, ông Công cho rằng, doanh nghiệp FDI làm theo chuỗi, sức khỏe tài chính tốt sẽ phục hồi nhanh. Còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể gồng lỗ quá nhiều, buộc phải rời khỏi cuộc chơi.
Theo ông, chăn nuôi nông hộ tạo việc làm cho người lao động quá độ tuổi làm công nhân và những lúc nông nhàn. Thế nhưng, chăn nuôi nông hộ đang dần teo tóp. Người treo chuồng, người bỏ tìm việc mới. Số khác xin nuôi gia công cho doanh nghiệp FDI, tức đi làm thuê.
“Điều kiện để nuôi gia công cũng rất khắt khe, đặc biệt quy mô trang trại phải đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Trang trại nhỏ của các hộ chăn nuôi phần lớn không đủ điều kiện nuôi gia công”, ông nói.
Khi doanh nghiệp FDI nắm thị phần lớn, họ sẽ quyết định giá bán trên thị trường. Lúc đó, để kiểm soát được giá rất khó khăn, ông Công lưu ý.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có quy mô đàn lợn hơn 300.000 con nhìn nhận, mặt tích cực các “ông lớn” FDI đầu tư vào ngành chăn nuôi giúp doanh nghiệp Việt học hỏi được cách quản lý, tổ chức sản xuất ở quy mô lớn.
Thực tế, quy mô chăn nuôi trang trại đang ngày lớn dần. Thay vì chỉ vài chục, vài trăm con lợn như trước, giờ trang trại nuôi quy mô vài nghìn, hàng chục nghìn rất nhiều, nhất là ở khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI lách luật rất khéo. Họ thuê trang trại, thuê nông dân nuôi gia công. Do đó, phần lớn sản phẩm tiêu thụ ngay tại thị trường Việt Nam, không phải xuất khẩu. Chưa kể, việc thuê nuôi gia công giúp họ tiết kiệm chi phí đầu tư chuồng trại, dễ dàng mở rộng quy mô đàn.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, đối mặt với hàng loạt khó khăn về giá cả, dịch bệnh, hàng lậu... không chỉ doanh nghiệp nội mà ngay cả hộ chăn nuôi cũng phải đầu quân cho các ông chủ chăn nuôi nước ngoài.
Việc gia công cho doanh nghiệp FDI chính là cách nhiều người nuôi lựa chọn để hồi sức. Tuy nhiên, từ cương vị làm chủ, giờ nông dân lại trở thành người làm thuê. Các doanh nghiệp FDI dễ dàng tận dụng, khai thác cơ sở hạ tầng, chuồng trại sẵn có. Chưa kể, việc quyết định giá bán cũng nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Nuôi gia công cũng lắm rủi ro
Theo ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, với các nông hộ, chăn nuôi gia công hay chăn nuôi liên kết đều sẽ gặp rủi ro. Ở tình huống hiện tại thì hình thức nuôi nào cũng đều lỗ.
Với nuôi liên kết, khi giá thị trường lên hay xuống, người nuôi cũng phải bán ở mức giá đã ký trong hợp đồng. Nếu thị trường tiêu thụ tốt, hộ chăn nuôi liên kết sẽ thu được lợi nhuận ổn định. Trường hợp tiêu thụ gặp khó, gà lợn phải nuôi dài ngày hơn dẫn đến chi phí tăng, lợi nhuận giảm hoặc không có công.
“Mặc dù chúng tôi được doanh nghiệp hợp đồng thu mua với giá 31.000 đồng/kg, nhưng sắp tới giá sẽ xuống 30.000 đồng/kg. Chúng tôi cũng phải chia sẻ khó khăn, chịu một phần lỗ với doanh nghiệp, bởi nếu họ 'gục' mình cũng 'chết theo", ông nói.
Với nuôi gia công, doanh nghiệp cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Họ sẽ tính tỷ lệ hao hụt đàn, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn, sản lượng... để ra giá sản phẩm. Đến ngày xuất chuồng, nếu không đạt sản lượng quy định sẽ bị phạt, nếu vượt người nuôi được hưởng. Song, nhỡ bị dịch bệnh, không giữ được đầu con thì người nuôi phải chịu. Thế nên, nuôi gia công cũng rủi ro.
Các loại thịt, phụ phẩm chăn nuôi vẫn được nhập ồ ạt về Việt Nam khiến nguồn cung tăng mạnh, trong khi nhu cầu giảm. Hàng nhập khẩu hầu hết có giá siêu rẻ nên hàng nội nhanh chóng mất sân.
Phải bán gà, bán lợn dưới giá thành sản xuất, người chăn nuôi gồng lỗ, ngập trong nợ nần. Ngay cả với các "ông lớn" ngành chăn nuôi dịp này cũng thua lỗ nặng.