Khi đi nghỉ cùng gia đình ở Croatia, bé trai bị một con rắn lục cát cắn. Trước đó, cậu đã tóm lấy cành cây mà con rắn đang bò ở công viên Quốc gia Paklenica. Đây là một trong số những loài rắn có nọc độc nhất ở châu Âu, chứa hemotoxin và chất độc thần kinh.
"Thibaut muốn chơi gần nước nên nắm lấy một cành cây để giữ thăng bằng. Nhưng con tôi không nhìn thấy một con rắn đang nằm trên đó. Con vật cắn vào ngón tay của cháu”, cha của cậu bé, Alexander Spriet, nói với tờ Het Nieuwsblad.
"Thibaut bị chảy máu ở ngón tay nhưng lúc đó chúng tôi không biết vết cắn có độc hay không. Điện thoại di động của chúng tôi không có sóng. Chúng tôi ngay lập tức quyết định quay lại lối vào. Khi đến nơi, tôi đã thấy một trạm sơ cứu”, ông Spriet nhớ lại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 5,4 triệu người bị rắn cắn mỗi năm, trong đó có từ 1,8 đến 2,7 triệu ca liên quan tới rắn độc, dẫn đến khoảng 100.000 ca tử vong trên toàn cầu. Riêng ở Croatia, cứ 100.000 người có khoảng 5 người bị rắn cắn mỗi năm, dẫn đến khoảng 2 người tử vong.
Do cơ thể nhỏ hơn, trẻ em đối mặt với nguy cơ cao hơn người lớn khi bị rắn độc cắn. Điều đó đồng nghĩa, các em cần được cấp cứu nhanh chóng. Cha mẹ đã bế Thibaut đến điểm sơ cứu cách đó khoảng 45 phút đi bộ. "Hóa ra đó là lựa chọn đúng đắn. Khi bạn đi bộ, máu chảy nhanh hơn và chất độc lan mau", ông Spriet nói.
Để điều trị, việc biết được loài rắn nào cắn bệnh nhân rất hữu ích vì các chất kháng nọc độc thường dành riêng cho từng loại rắn. Bố mẹ của Thibault đã chụp một bức hình của con rắn. "Theo phản xạ, tôi yêu cầu vợ nhanh chóng chụp ảnh con rắn dài 1m. Khi chúng tôi cho mọi người xem hình, họ nhận định vết cắn rất độc. Họ chưa bao giờ thấy một đứa trẻ nào bị rắn lục cát cắn”, người cha kể.
Thibaut sau đó được đưa đến bệnh viện lớn bằng xe cấp cứu. "Nhờ bức ảnh, các bác sĩ biết nên dùng thuốc giải độc nào. Chỉ có điều họ không biết ngay liều lượng cho một đứa trẻ là bao nhiêu. Bác sĩ nói hy vọng có thể cứu sống con tôi. Chúng tôi phải chờ đợi”, ông Spriet nói.
Cậu bé được dùng thuốc giải độc hai giờ sau khi bị rắn cắn và đã thoát chết.
"Mọi chuyện giống như trong phim. Nọc độc từ từ lan từ vết cắn, nếu đến tim, sẽ gây tử vong. Với Thibaut, nọc độc dừng lại ở nách", người cha kể.
Thibaut nằm lại bệnh viện vài ngày để đảm bảo rằng nọc độc không dẫn đến suy thận hoặc huyết khối và phải rạch tay để giảm áp lực trong hệ tuần hoàn.
Cha mẹ của Thibaut kêu gọi những người khác hãy thận trọng khi đi công viên quốc gia và để mắt đến những con rắn độc. "Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng mình sẽ phải đối mặt với một con rắn nguy hiểm như vậy ở Croatia. Chúng tôi không thấy biển báo nào cảnh báo về điều này cả", ông Spriet nói.