Theo thông tấn xã Belga và hãng RT, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov vào ngày 22/1. Sau cuộc điện đàm, ông Umerov viết trên mạng xã hội X như sau: "Năm nay, Bỉ sẽ cung cấp viện trợ trị giá 666 triệu USD cho Ukraine đồng thời cam kết lâu dài về việc hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng phòng thủ của chúng tôi". Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ sau đó đã đăng lại bài viết của người đồng cấp Ukraine.
Văn phòng Bộ trưởng Bỉ đã xác nhận thông tin trên và cho hay số tiền 666 triệu USD mà nước này hứa chuyển cho Ukraine là tiền lãi từ các tài sản bị phong tỏa của Nga ở Bỉ. Bộ Quốc phòng Bỉ không đưa ra tuyên bố riêng nào về việc này.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022, G7 cùng Liên minh châu Âu (EU), Australia đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga. Phần lớn số tiền (232 tỷ USD) nằm ở EU, với 208 tỷ USD được giữ ở Bỉ. Với quyết định trên, Bỉ sẽ là quốc gia thành viên EU đầu tiên sử dụng tiền của Nga để hỗ trợ cho Ukraine.
Theo thông tấn xã Belga, phần lớn lượng dự trữ ngoại hối bị đóng băng của Nga do công ty tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ nắm giữ và công ty này tiếp tục kiếm được “lợi nhuận kỷ lục”.
Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu cũng như những quốc gia khác vẫn miễn cưỡng xem xét việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga, mặc dù đã áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có lên Nga vì chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.
Tờ Financial Time hôm qua (24/1) đưa tin, các nước thành viên EU đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Nga khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tròn 2 năm.
Gói trừng phạt thứ 13 được cho là sẽ bao gồm các lệnh cấm đi lại mới cũng như phong tỏa tài sản của các doanh nghiệp, cá nhân Nga bị cáo buộc liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
EU đã áp đặt 12 đợt trừng phạt đối với Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Các biện pháp này nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế của Nga và khiến Moscow không thể tài trợ cho hoạt động quân sự.