Hôm nay (4/1), trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An), cho biết, huyện đã ký văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An; Sở Tài chính; Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT liên quan đến việc sử dụng chế độ, chính sách đối với giáo viên biệt phái tại Phòng GD-ĐT huyện Diễn Châu. Hiện, huyện vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ UBND tỉnh Nghệ An.
“Các giáo viên biệt phái đều là những lãnh đạo hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường được điều động lên phòng GD-ĐT làm việc. Khi có quyết định đề nghị truy thu khoản tiền trợ cấp không đúng quy định, nhiều giáo viên đã xin quay trở lại trường đứng lớp. Vừa làm việc ở phòng GD-ĐT, vừa đứng lớp dạy học là giải pháp bây giờ để chờ quyết định của UBND tỉnh Nghệ An” - ông Sánh thông tin.
Quyền Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Phạm Viết Phúc, cho biết, toàn huyện có 8 giáo viên biệt phái từ hiệu trưởng, hiệu phó của 3 cấp học lên làm chuyên viên của phòng GD-ĐT. Đến nay có 5 nhà giáo đã hoàn thành 3 năm biệt phái và trở lại nhà trường làm lãnh đạo như ban đầu.
“Các giáo viên biệt phái nay xin làm việc cả phòng GD-ĐT và đến nhà trường đứng lớp dạy học. Mỗi giáo viên có kế hoạch cá nhân riêng trong quá trình làm việc để nhận tiền trợ cấp đứng lớp. Khi nào ở phòng có công việc, chúng tôi sẽ báo qua điện thoại cho các giáo viên trở về phòng làm việc” - ông Phúc chia sẻ.
Đến nay, phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn đang còn 7 nhà giáo phải làm việc ở trường học và phòng GD-ĐT để đảm bảo được nhận chế độ đầy đủ.
Như đã thông tin, từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng GD-ĐT, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương cho biệt phái cán bộ, giáo viên tại các trường học về phòng GD-ĐT công tác.
Thời điểm này, đa số các giáo viên đang giữ chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó được chọn lựa từ các trường học chuyển về phòng GD-ĐT làm việc. Nhằm chi trả cho hàng trăm giáo viên trên 19 huyện, thành thị được biệt phái trên, nhiều năm liền, địa phương đã thực hiện theo hướng dẫn công văn số 6612, ban hành ngày 24/9/2012 của UBND tỉnh Nghệ An.
Thế nhưng, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho hàng trăm cán bộ, giáo viên này là không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động công tác quản lý giáo dục.
Sở Tài chính Nghệ An cho rằng, công văn số 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Nghệ An ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Việc UBND cấp huyện, thành, thị căn cứ văn bản trên để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại phòng GD-ĐT, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.
Do vậy, ngày 9/2/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ công văn số 6612. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện, thị dừng chi trả các khoản nêu trên đối với giáo viên được điều động, biệt phái.
Thế nhưng, sau đó hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái. Gần đây, ngày 12/1/2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản số 263 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên.
Từ kiến nghị, đề xuất của 19 huyện, thị về chế độ cho giáo viên biệt phái, ngày 27/4/2023, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có báo cáo, đề xuất gửi UBND tỉnh Nghệ An.
Qua rà soát, giáo viên biệt phái có hưởng phụ cấp trong giai đoạn 2021-2022, tại 19 huyện, thị là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người.
Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả không đúng cho 281 giáo viên trên ở Nghệ An là hơn 10 tỷ đồng. Đơn cử, huyện Kỳ Sơn số tiền gần 2 tỷ đồng; Thanh Chương hơn 1 tỷ đồng, Quỳ Châu trên 1,1 tỷ đồng, Tương Dương hơn 970 triệu đồng...