Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Đó là: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho thế hệ mai sau.
Trong chương trình du lịch của các nước bao giờ cũng có điểm đến là các di sản. Việt Nam hiện có kho tàng di sản đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 8.000 lễ hội truyền thống.
Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh 8 di sản thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Ngoài ra, có 14 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh.
Tất cả các dữ liệu này, theo lộ trình của Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để bảo tồn và phát huy, kết nối các di sản và danh thắng lại để phát triển du lịch, biến di sản thành hàng hoá của văn hoá.
Ứng dụng công nghệ vào các điểm di tích
Ông Phạm Văn Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: "Thực tế cho thấy các di tích, di sản, các điểm đến văn hóa cũng là tài nguyên để phát triển du lịch. Từ tài nguyên phát triển du lịch đó thì biến các di tích, di sản trở thành hàng hóa của văn hóa, để chúng ta phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa".
Hiện tại, ngành du lịch đã triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm đến du lịch thông minh ở Hà Giang, Thanh Hóa… Hỗ trợ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử. Tổng cục Du lịch đang tiếp tục làm việc với ban quản lý đền Quán Thánh (Hà Nội) và một số khu, điểm du lịch khác để hỗ trợ áp dụng hệ thống vé điện tử này.
Đồng thời, Tổng cục phát triển các ứng dụng, tiện ích công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch như: Ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Ứng dụng quản trị và kinh doanh du lịch; Thẻ du lịch thông minh trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia; Trang vàng du lịch Việt...
Theo TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Khoa học Văn Miếu - Quốc tử Giám, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch của Trung tâm trong thời gian qua đã đạt một số kết quả.
Đó là: Triển khai mã QR code cho 40 hạng mục của di tích, cung cấp thông tin cho khách tham quan; Hỗ trợ thuyết minh cho khách tham quan bằng thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) theo chuẩn quốc tế với 12 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha...
Ông Kiêu cho biết Trung tâm đang xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hệ thống này được xây dựng theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất trong lĩnh vực di sản văn hóa (công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR…) và công nghệ 4.0 (điện toán đám mây, thông minh nhân tạo AI, Big Data…) cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số, phục vụ các nhiệm vụ chung của Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa.
Từ sản phẩm đã được số hóa, di sản sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, từ đó góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản đó. Các nhà khoa học có cái nhìn tổng quát về di sản để tiến hành các thử nghiệm, can thiệp chính xác trong quá trình phục dựng.
Hiện nay, các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các hình ảnh 3D của hiện vật, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan. Công nghệ quét và in 3D được sử dụng để phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng, từ trưng bày, nghiên cứu, hay bán hàng lưu niệm.
“Trên nền tảng công nghệ mới nhất, chương trình thực cảnh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn: tái hiện câu chuyện về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn; là sự kết hợp của yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại vào các ngày cuối tuần, mang lại trải nghiệm khó quên cho du khách khi đến Hà Nội”, TS. Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Lo mất việc làm
Theo ông Phạm Văn Thủy, bên cạnh những tín hiệu tích cực thời gian qua, ngành du lịch vẫn còn hạn chế trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự thống nhất, đồng bộ; Chưa xây dựng được hệ sinh thái, phần mềm chung, hệ thống dữ liệu lớn áp dụng xuyên suốt, liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch; nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm hiểu và lựa chọn công nghệ. Thêm vào đó, nhiều người lo ngại rằng họ sẽ mất việc làm khi chuyển đổi số len lỏi vào lĩnh vực đặc thù này.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ: "Chuyển đổi số không phải là để mất việc làm. Thay vào đó, chuyển đổi số để khai thác thông qua Internet, thông qua khả năng số hóa đó thu hút du khách đến với chúng ta".